4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số đáng ghi nhận khi những tháng đầu năm 2022 điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn…
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11 tỷ USD
Theo số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là con số đáng ghi nhận khi những tháng đầu năm 2022 điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, bên cạnh sức mua hàng dệt may tăng trở lại nên xuất khẩu dệt may đã có bước nhảy vọt so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường truyền thống lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, trong năm 2022 và các năm tới, ngành dệt may vẫn còn phải đối diện nhiều thách thức không nhỏ về chi phí logistics tăng cao, bất lợi về tỷ giá, mất cân đối lao động, nguyên liệu nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các rào cản về trách nhiệm xã hội, môi trường đối với thị trường EU và chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đối với thị trường Mỹ…
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, bên cạnh những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng nhất định của đại dịch, dẫn tới sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng đều đưa ra yêu cầu về việc sử dụng sản phẩm tái chế, trong khi chuỗi cung ứng này của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều hạn chế…
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, giá nguyên liệu đầu vào ngành sợi đang có xu hướng tăng cao, trong khi một số chi phí vận tải, giá xăng dầu đang leo thang do xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Ngoài ra là những thách thức từ giá xăng dầu liên tục tăng, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng gia tăng…
Từ thực tế như trên, ông Hiếu yêu cầu các đơn vị trong hệ thống Vinatex cần tận dụng tốt một số chính sách Nhà nước hỗ trợ đối với doanh nghiệp dệt may.
Trong đó có một số chính sách như: giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiền thuê đất năm 2022…; hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022 qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi trong ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (có ngành dệt, sản xuất trang phục)…
Đồng thời, Tổng giám đốc Vinatex cũng đưa ra một số lưu ý trong công tác điều hành, nhất là việc liên kết chuỗi sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, đặc biệt vai trò dự báo, trao đổi kịp thời thông tin giữa các đơn vị… để cùng hỗ trợ, tăng hiệu quả sản xuất trong toàn hệ thống.
Đối với các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng đi theo hướng sản xuất xanh, nhất là trong ngành sợi… cần có sự chuẩn bị, xây dựng các phương án sử dụng năng lương tái tạo trong công tác đầu tư, nhất là khi giá điện đã có những dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
Ông Giang cũng khuyến nghị các doanh nghiệp phải đầu tư đạt chuẩn theo hệ thống đánh giá của các nhãn hàng về: cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, môi trường làm việc cho người lao động…
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm sợi tái chế từ xơ tái chế nhiều hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng. “Việc đáp ứng được các yêu cầu này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, cùng với đó là việc tuân thủ các chính sách về lao động”, ông Giang nhận định.
Nguồn: VnEconomy