Việc thực thi FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đã mang lại kết quả tích cực thời gian qua, song mức độ tận dụng ở các địa phương là khác nhau.
Các địa phương nỗ lực thực thi các FTA
Thời gian qua, việc tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên cả nước, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.
Tại Toạ đàm Trợ lực cho các địa phương gia tăng hiệu quả thực thi FTA do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 31/10, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương chia sẻ, các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA là các FTA mà Chính phủ có kế hoạch thực thi và cũng giao cho các bộ, ngành, các địa phương thực thi.
Kế hoạch thực thi tập trung vào 05 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tuyên truyền; nhóm giải pháp về pháp luật; nhóm giải pháp về hỗ trợ; nhóm giải pháp liên quan đến phát triển bền vững và nhóm giải pháp liên quan đến các vấn đề về xã hội.
“Trong báo cáo gần đây gửi Chính phủ dựa trên báo cáo tổng hợp của các địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng về cơ bản, tất cả các địa phương đều cố gắng triển khai đủ năm nhóm giải pháp đó nhưng kết quả thực hiện không đồng đều” – ông Ngô Chung Khanh nhận xét. Cụ thể, có địa phương tích cực ở nhóm tuyên truyền; có địa phương thì tích cực ở nhóm hỗ trợ, có địa phương thì tích cực liên quan đến vấn đề về phát triển bền vững… Từ đó giúp hoạt động xuất nhập khẩu đạt được những kết quả tốt, cho thấy mức tận dụng rất tốt.
Tuy nhiên, báo cáo của các tỉnh thành này cũng có những sự khác biệt. Ví dụ như vấn đề liên quan đến kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam hay kết nối cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực hay toàn cầu là một nhiệm vụ được các địa phương thực hiện hiệu quả.
Chẳng hạn như Hà Nội đã tích cực kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với Italia; Đà Nẵng kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Hà Lan… Những hoạt động như vậy đã mang lại kết quả chung trong hoạt động xuất nhập khẩu và tận dụng FTA cấp tỉnh. Từ đó học hỏi lẫn nhau và lan tỏa những kinh nghiệm tích cực.
Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Kinh tế tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ thêm, trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều chuyển biến ở các địa phương. Dù mức độ giữa các địa phương còn khác nhau trong các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng các địa phương đã có những hoạt động, kế hoạch để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các FTA, trong đó tập trung vào các FTA thế hệ mới.
“Hoạt động đầu tiên là các địa phương đã ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện các FTA này. Thứ hai là họ cũng phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia và các hiệp hội doanh nghiệp, ví dụ như VCCI để cung cấp những thông tin trực diện, liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn của mình, tập trung vào những vấn đề liên quan đến cơ hội, thách thức, khả năng tận dụng các FTA” – ông Nguyễn Anh Dương ghi nhận.
Một nội dung khác là những thông tin bên lề liên quan đến những xu hướng mới mà các Hiệp định thương mại tự do gần đây trong quá trình thực hiện có thể ảnh hưởng đến việc thực thi. Ví dụ như những quy định liên quan đến phát triển bền vững, phía EU có thể có những quy định mới liên quan đến các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon hay các quy định chống phá rừng thì các địa phương cũng đã quan tâm hơn và trao đổi với các bộ, ngành liên quan để có những thông tin kịp thời cho phía doanh nghiệp.
Điểm cuối cùng là những nỗ lực của các địa phương trong thực hiện các hoạt động kết nối doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và doanh nghiệp trên địa bàn của mình, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về phía địa phương, bà Tô Thị Hương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho hay, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình luôn đạt được mức tăng trưởng khá.
Cụ thể như năm 2021 tăng trưởng ở mức 23,9%, năm 2022 đạt được mức 13,5%. Năm 2023 dù là một năm rất nhiều khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung, trong đó có Thái Bình, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt được mức tăng trưởng và tính trung bình trong ba năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu của Thái Bình đạt được khoảng 14,3%. Một số mặt hàng đã tận dụng tốt được các FTA, kể cả là EVFTA như là mặt hàng may mặc, thủy sản, giày da…
“Để được có được kết quả đó, ngoài năng lực và sự chủ động của doanh nghiệp còn có những sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp để đẩy mạnh tận dụng các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết” – bà Tô Thị Hương Lan nói.
Theo đó, ngay khi các FTA được ký kết và có hiệu lực thì Sở Công Thương Thái Bình đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.
Trong đó Sở Công Thương đã tập trung vào công tác tuyên truyền, đặc biệt đã phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức một số hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm được những thông tin cũng như những quy định của các hiệp định.
Bên cạnh đó Sở cũng tham mưu xây dựng đề án đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh và đề án này đã được tỉnh ban hành năm 2022. Sở còn làm đầu mối tham mưu UBND tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Sở Công Thương Thái Bình được Bộ Công Thương thành lập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thái Bình để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp xung quanh. Trong công tác này, Sở đã tập trung chỉ đạo cán bộ làm sao mà tạo được điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sớm có được chứng nhận xuất xứ để thực hiện việc xuất khẩu.
Qua đó có thể nói công tác tuyên truyền về các FTA đã góp phần không nhỏ vào nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và cũng góp phần vào thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh Thái Bình trong thời gian vừa qua.
Nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA
Không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được, tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương cũng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực vừa qua thì cũng còn một số điểm cần phải cải thiện hơn. Đầu tiên là chất lượng của các hoạt động thông tin tuyên truyền, đặc biệt là độ sâu của thông tin.
Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới đều có một chương là hợp tác và nâng cao năng lực thì chương này là nơi các đối tác cam kết hỗ trợ cho mình. Tuy nhiên, dường như các địa phương rất ít quan tâm đến phần này.
“Có vẻ như các địa phương và doanh nghiệp thường quan tâm đến mình cam kết gì, mình phải làm gì để được hưởng lợi. Trong khi chưa chủ động trong việc kiến nghị các đối tác như trong CPTPP hay Liên minh Châu Âu để họ hỗ trợ kỹ thuật cho mình, để mình tận dụng các hỗ trợ. Đấy cũng là một điểm đáng tiếc” – ông Nguyễn Anh Dương nói.
Đồng ý kiến, ông Ngô Chung Khanh chai sẻ, thời gian qua, các địa phương tuyên truyền rất nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Các địa phương có nhiều hội nghị chung chung nhưng những buổi hội thảo hay tọa đàm chuyên đề đi sâu vào các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, đi sâu vào vấn đề mới thì chưa có nhiều.
Thứ hai, số lượng cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA ở tỉnh thành còn rất hạn chế. Có những nơi chỉ có 1 người phụ trách mà một người đấy không chỉ làm FTA mà làm cả hội nhập, logistics…
Vấn đề thứ ba là liên quan đến các chương trình hỗ trợ. Nhiều tỉnh thành đều có nhiều báo cáo về các chương trình hỗ trợ, những phải phân phân biệt rất rõ ràng là hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp để phát triển kinh tế và hỗ trợ để tận dụng FTA cụ thể thì khác nhau.
Cuối cùng là chuyện sự chú ý tập trung của tất cả các tỉnh thành trong việc tối ưu hóa các FTA cũng còn là một điểm cần cố gắng. Bởi theo thống kê, tỉ trọng của các thị trường FTA thế hệ mới như là EU, Canada, Mexico hay là Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh còn khiêm tốn.
“Có những tỉnh tôi tổng kết lại chưa đến 10%, còn có những tỉnh nhiều hơn khoảng 20% nhưng trung bình của cả nước, kể cả cấp độ quốc gia đối với EU chẳng hạn thì khoảng 20%, còn đối Canada, Mexico trung bình thì 1,4% – 1,5%, Vương quốc Anh là 1,3%, tức là cơ hội thị trường còn rất lớn” – ông Ngô Chung Khanh nói.
Để tháo gỡ những khó khăn ấy, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và vừa rồi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đồng ý giao Bộ Công Thương xây dựng một kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lấy ý kiến các bộ, ngành, phối hợp với các địa phương để định vị được thời gian tới sẽ tuyên truyền những gì và các bộ, ngành, các địa phương sẽ cùng phối hợp với nhau ra sao để không bị chồng chéo, đi sâu vào những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Thứ hai, liên quan đến xây dựng, kết nối, chúng tôi cũng đã đề xuất là xây dựng kết nối hệ sinh thái để làm sao cho các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Thứ ba, trong bối cảnh nhân lực còn hạn chế, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ cố gắng hỗ trợ về mặt chất lượng, tức là sẽ xây dựng các khóa đào tạo chuyên gia về FTA không chỉ cho cơ quan, địa phương mà kể cả các doanh nghiệp, các hiệp hội.
“Chúng tôi cũng xây dựng các chương trình đào tạo với các trường đại học để tạo nguồn cho các doanh nghiệp, cho cơ quan quản lý trong thời gian tới” – ông Khanh chỉ rõ..
Thứ tư, xây dựng FTA Index. Đấy là hoạt động Chính phủ đã giao và Bộ Công Thương kỳ vọng rằng cuối năm nay có thể công bố được một bộ chỉ số FTA để đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các tỉnh, thành và địa phương. FTA Index giúp cho các tỉnh quan tâm hơn, chú ý trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA. Khi các hoạt động này bắt đầu được triển khai một cách tích cực thì hiệu quả tận dụng FTA tại các địa phương sẽ tăng lên đáng kể.
Nguồn: Báo Công Thương.