Ánh trăng lấp lánh trên bầu trời, báo hiệu cho chúng ta nhớ rằng mùa Trung thu đã tới. Trong không gian tĩnh mịch, trăng tròn và trắng lấn át hết cả những ánh sao đang phủ kín trời đêm. Ánh trăng len lỏi qua từng tán cây, làm cho không gian bỗng gợi chút cảm giác thần tiên và huyền ảo. Đêm trăng tròn của mùa Trung thu chính là thời điểm mà cả gia đình tụ họp lại, cùng trò chuyện, uống tách trà, ăn bánh mứt sau một vụ mùa bội thu.
Ngày Trung thu luôn là một ngày đặc biệt và tràn đầy hứng khởi đối với những đứa trẻ nghèo khổ ở miền quê. Mặc dù chúng chưa từng biết mùi vị của những chiếc bánh Trung thu đắt tiền, chưa từng cầm trên tay những cái đèn lồng cầu kỳ rực rỡ như các bạn nhỏ ở thành thị, nhưng niềm vui của chúng vẫn cứ tươi mới vẹn nguyên như vậy mỗi khi Trung thu về.
Ở miền quê sông nước, ngày Trung thu không phải là một lễ hội xa hoa và hào nhoáng như ở những nơi khác. Ở đây, mọi thứ đều đơn giản và chất phác. Những đứa trẻ thường được cha mẹ dạy cho cách tự tạo ra chiếc đèn lồng thủ công, bằng những vật liệu đơn giản nhất như: tre, giấy báo cũ, nến,…. Dù không có nhiều tiền để mua giấy kiếng màu sắc, đèn led 7 màu, chúng vẫn dư sức biến hóa những vật dụng gần gũi đời thường trở thành chiếc đèn lồng “xa xỉ” và bắt mắt chẳng kém những chiếc đèn được bày bán khắp các mặt phố ở thành thị.
Những ngày cận tết Trung thu, các em nhỏ sẽ cùng bố mẹ đi chặt tre, đám trẻ trong khu sẽ thi nhau tìm ra những tờ báo sặc sỡ nhất trong sấp báo cao ụ của bác trưởng làng. Những ngón tay non trẻ vụng về nhưng ẩn náu đầy sự quyết tâm để tạo ra những chiếc đèn lồng đẹp và độc nhất. Mỗi chiếc đèn lồng đó là một tác phẩm nghệ thuật riêng của các em, mang đậm dấu ấn quê hương và tình yêu trong sáng dành cho ngày hội trăng rằm.
Trong ngày Trung thu, những đứa trẻ Tây Nam Bộ thường tụ tập lại, cùng nhau tung tăng với chiếc đèn lồng do tự tay mình làm ra và dạo chơi trong làng. Bọn trẻ đi đến đâu, ánh sáng tỏa ra rực rỡ đến đó, cùng với ánh trăng chiếu sáng cả con đường làng, tạo nên một bức tranh lung linh và cổ tích với chủ thể chính là thiên nhiên và con người. Không cần đến ánh sáng điện, chiếc đèn lồng đơn sơ đó đã đủ để làm cho trái tim của các em hạnh phúc và tràn đầy niềm vui.
Trong tiếng đàn nguyệt cổ và tiếng cười đùa của các em, ngày Trung thu ở sông nước miền Tây trở nên đáng nhớ và cảm động hơn bao giờ hết. Chúng học được rằng niềm vui không phải lúc nào cũng đến từ những thứ xa hoa, mà nó có thể xuất phát từ tình thương và sự đoàn kết trong gia đình làng xóm. Vậy là ánh trăng đã lên, một mùa Trung thu nữa lại đến, mang theo niềm hạnh phúc và ấm áp cho mỗi gia đình. Đó là thời điểm để chúng ta thấu hiểu giá trị của sự sum vầy sau một vụ mùa bội thu và trân trọng những khoảnh khắc đáng nhớ bên người thân yêu.
Mời Quý độc giả đón đọc bản đầy đủ của Tập san “Người PPJ” số 17 tại link:
Ban Biên tập