Khi ánh hoàng hôn chiếu rọi, bầu không khí hắt hiu của vùng biên giới Đồng Tháp dường như trở nên ấm áp hơn, chứa đựng những câu chuyện và kí ức của những người dân trải qua bao thế hệ. Những mái nhà sàn là nơi ở của người dân nơi đây, họ sinh sống dọc theo những con sông nối đôi bờ hai nước anh em Việt Nam và Campuchia.
Lối thu mờ cũ, với những dấu vết của thời gian, đan xen giữa những vết nứt trên đường mòn, là chứng nhân của hàng trăm thế hệ người dân nơi đây đã trải qua. Những bước chân đi qua lối thu đã làm cho nó trở thành người chứng kiến tất cả những câu chuyện, niềm vui và nỗi buồn trải qua qua từng thời kỳ. Đầm sen be bé ẩn mình sau hàng me tây già. Những bông sen đang bừng nở rực rỡ trên mặt nước, mang lại vẻ đẹp tinh khiết và mộng mơ cho vùng đất này. Những cây me tây cổ thụ thì khoe sức sống và sự vững mạnh của thiên nhiên, chống chọi với mọi khó khăn trong suốt hàng thế kỷ.
Ông Năm sống ở xóm nhà bè. Cái xóm nghèo khổ và cơ cực ấy không có được cục đất chọi chim, sống lênh đênh trên cái nhà tạm bợ làm bằng tre nứa trên sông, nay đây mai đó. Dòng sông như chiếc võng đong đưa địu êm, đưa đẩy số phận những con người lam lũ ấy. Hôm nay là một ngày trúng mánh, ông Năm vơ được một mẻ tép bạc mà ông đặt lờ đêm hôm qua. Giọng ông rổn rảng nói vang cả khúc sông, “Bà Ba ăn tép bạc hông? Tui mang lên cho một ít làm gỏi bông điên điển ngon bá cháy!”. Ông Năm nghèo thật nhưng có thừa tình nghĩa xóm làng.
Cái xóm nghèo này lạ vậy đó, chỉ vài con cá, con tép cũng hồ hởi chia nhau bằng cả tấm lòng. Người ở đây từ tứ xứ tụ về, kiếp tha hương chẳng biết có còn anh em, họ hàng ở nơi nào, nhưng sự cơ cực và nhọc nhằn lại khiến họ rộng lòng thương nhau hơn bao giờ hết. Khi thì mượn nhờ đồ đạc trong nhà, khi gia đình có người đau ốm cần đưa đi bệnh viện gấp, hay nhờ người trông nhà hoặc cần phụ giúp mỗi khi nhà có ma chay, giỗ chạp… Khi mà người ta chẳng có gì nhiều, họ lại có thể hào phóng với nhau như thế. Ông Năm sống một mình, vợ ổng bệnh nặng bỏ ổng đi từ mấy năm trước. Ông già đen đúa gầy gò sống cô đơn nhưng không cô độc, bởi bà con chòm xóm ngày nào cũng thay nhau lấy cớ qua nhà mượn cái này cái kia, rồi cho mớ rau mớ cá, hỏi han dăm ba câu để ông dần nguôi ngoai nỗi nhớ bà Năm.
Ruộng đồng ngập nước mang theo một nỗi buồn man mác ghim vào điệu lý, câu hò. Nhưng mùa nước nổi cũng là mùa sự sống hồi sinh của người dân miền Tây. Giữa cái trắng trời, trắng đất của nước lũ tràn về mênh mang, là những mầm sống mới đang hồi sinh, nảy nở. Bàn tay ma thuật của tạo hóa luôn nhào nặn ra kiệt tác từ cái gọi là nghịch lý của cuộc đời. Là vậy đó! Thiên nhiên dữ dội làm con nước dâng đầy, ruộng đồng, nhà cửa chìm trong biển nước, và… biết bao thân phận nổi trôi.
Nước lũ tràn đồng cũng là lúc điên điển trổ bông vàng ruộm khắp nẻo bờ kênh. Vốn là một loại hoa, nhưng thật ra điên điển thường được người ta coi như một loại rau một cách hết sức mộc mạc dân dã. Tháng Sáu âm lịch, điên điển bắt đầu trổ bông, nhưng nở rộ nhất là vào tháng Tám, khi nước lên đầy trên đồng ruộng. Vào thời điểm này, bông điên điển trổ đầy cây, từ xa nhìn vào chỉ thấy vàng rực một màu. Đồng nước như thêm phần thi vị với chiếc áo màu vàng tươi ấm áp. Còn gì tuyệt vời hơn bữa cơm chiều đạm bạc trên đồng nước nổi, với nồi cơm bốc khói ăn kèm với món gỏi tép bông điên điển. Bông điên điển thường sạch và không có sâu. Ông già rửa bông rồi để ráo, sau đó vắt chút nước chanh hoặc cho một vài muỗng giấm cùng chút muối vào, bóp nhẹ tay cho bông xèo xuống. Nêm nếm thêm nước mắm, đường cho vừa ăn rồi gắp ra dĩa. Tép trấu, tép bạc được ông cẩn thận lựa cho sạch hết rác và loại bỏ những con tép ma (những con tép có màu sắc sặc sỡ hoặc hình dạng khác thường) hay con chôm chôm. Tép không cần cắt râu, chân mà chỉ cần rửa sạch, để ráo. Luộc tép với nước dừa tươi, chỉ cần nước sôi vài dạo, tép vừa chín, vỏ ngả màu hồng là vớt ra, trộn vào dĩa gỏi đã chuẩn bị trước đó. Gỏi tép trộn bông điên điển chấm với nước mắm nguyên chất hoặc pha với nước cốt chanh, đường, tỏi, ớt. Gỏi tép trộn bông điên điển vừa xong thì nồi cơm chiều cũng vừa chín tới. Hương gạo lúa mùa thơm ngát với vị bông điên điển vừa nhẫn vừa ngọt, hòa quyện cùng với chất đậm đà của tép đồng làm nên vị độc đáo của món ăn. Ông Năm vừa ăn cơm, vừa nheo mắt ngắm bóng chiều vàng vọt hắt xuống mặt nước, lòng nhớ đến bà Năm ngày trước vẫn thường làm món gỏi này mỗi mùa nước về.
Những tia nắng cuối ngày đang nhẹ nhàng lặng xuống. Dòng sông mang đầy phù sa như một tấm gương phản chiếu hình ảnh của cuộc sống đang diễn ra quanh nó. Bao bề đau thương, khó khăn và hy vọng đang ẩn chứa trong những câu chuyện của những người dân sống trên lênh đênh nằm dọc bên hai bờ sông.
Nhìn đám cò trắng bay về tổ ấm, tôi không thể không nghĩ về những số phận bèo trôi của những con người lam lũ, chấp nhận sống bên bờ sông mưu sinh bằng những nghề truyền thống. Họ đánh cá vào sáng sớm, bắt bẻo dưới ánh trăng, hoặc cày lúa ven nước trong những ngày gắng gượng không biết mệt mỏi. Họ là những người không màng đến bộn bề cuộc sống vội vã. Đối với họ, tổ ấm là nơi trao nhau tình thương, chia sẻ những bữa cơm bình dị và đón nhận từng khoảnh khắc hạnh phúc dưới mái nhà mỏng manh. Những ngày giông tố, họ vẫn kiên trì, vượt qua mọi thử thách, như cách mà đám cò trắng vượt qua gió lớn, bay về tổ ấm. Những tâm hồn bèo trôi này chứa đựng tình yêu thương và thương cảm. Họ không chỉ là những người dân sống trên sông nước, mà còn là những ngọn đèn sáng, thắp lên cho cuộc sống này những ngọn lửa hy vọng. Chính họ là nguồn cảm hứng , là điểm nhấn cho hình ảnh” đám cò trắng bay về nơi tả ngạn”.
(Bài: Minh Phúc)
Mời Quý độc giả đón đọc bản đầy đủ của Tập san “Người PPJ” số 16 tại link: