Mẩu chuyện 1: Động lực nhỏ bé của tôi
Người ta hay đặt ra một tỷ thứ lớn lao, một mục tiêu gì đó nghe thật vĩ đại khi nghĩ về động lực cuộc sống. Tuy nhiên, động lực giúp chúng ta cố gắng mỗi ngày thực ra có thể đến từ những điều rất nhỏ bé. Tôi có một nhỏ bạn thân, nó yêu cái xe máy của nó vô cùng, động lực kiếm tiền của nó chắc chắn là để độ xe, bảo dưỡng xe thật trơn tru và trang bị cho chiếc xe yêu dấu của nó những “hình xăm” bảnh chọe nhất. Còn như với mẹ tôi, động lực đôn thúc mẹ thức dậy mỗi ngày, vội trở về nhà sau mỗi chuyến đi xa là mấy khóm hoa Thanh anh, Tử đằng,…Mặc dù bà biết rằng, không có bà thì cũng sẽ có tôi và bố thay nhau chăm sóc, nhưng vì đó là động lực để bà cảm thấy thêm phần trách nghiệm hơn với cuộc sống này, nên ngày qua ngày đều như vắt tranh, mẹ tôi vẫn vui vẻ dành hơn nửa thời gian cho những nụ hoa bé xinh của mình.
Để nói về tôi, ngoài bản thân và gia đình ra, động lực để tôi chấp nhận bươn chải với đời còn có 1 điều nhỏ bé nữa! Đó là mấy con chó, con mèo cơ nhỡ chẳng nơi nương tựa, chẳng chốn lui về ngoài kia. Không hiểu từ bao giờ tôi lại có thói quen cứ nhận lương là sẽ tự động chuyển ngay 50 nghìn vào tài khoản của Quỹ Cứu trợ động vật Hà Nội, trước khi chuyển đều không quên gửi một lời cảm ơn trong phần nội dung tới các bạn thành lập Quỹ. Có một tháng kẹt tiền quá, chẳng còn dư đồng nào sau khi trừ đủ 7749 loại quỹ và nợ, tôi đành ngậm ngùi xin khất với lương tâm một tháng, rồi tự hứa tháng sau cố gắng kiếm tiền gấp đôi tháng này để không rơi vào cảnh “tiền ngắn mặt dài” như thế này nữa.
Niềm vui của tôi là đọc bình luận dưới bài kêu gọi để xem có bao nhiêu người quyên góp, từ đó nhân lên và tưởng tượng cái quỹ cứu trợ sẽ phì nhiêu như chiếc nồi cơm của Thạch Sanh, rồi bao nhiêu bạn chó, bạn mèo sẽ không còn phải ăn sỏi đá để lay lắt ngày qua ngày nữa, sẽ có một cái tên do người chủ mới đặt cho chẳng hạn. Tháng nào kiếm được nhiều, tôi mạnh dạn quyên góp hẳn 100 – 200 nghìn, thấy vui cả ngày, năng lượng tích cực ùn ùn kéo đến, rồi thành ra càng hăng kiếm tiền và tiết kiệm hơn!
Đúng là đôi khi chẳng cần dùng đến một mục tiêu to đùng, hay một lý tưởng vĩ đại để tạo động lực cho mình, đặt ra nhiều điều nhỏ bé để cố gắng có khi lại khả thi và hiệu quả hơn nhiều!
Mẩu chuyện 2: Có những người như nắng! Ở cạnh bên là được sấy khô những dầm dề ủ dột!
Mấy năm trước trên mạng có một câu nói trending như thế này: “Có những người như mây, vắng họ trời trong xanh hẳn”. Ý mang nghĩa tiêu cực về những người chúng ta không thích nhưng lại được ví von với mây để giảm mức độ nặng nề xuống. Vậy nếu đã có mây thì ắt hẳn phải có nắng! Nhưng người như nắng thì sao? Nắng thường ấm, lung linh và đầy sự lan tỏa. Vì vậy, khác với “mây”, ai cũng muốn ở cạnh nắng để được sấy khô cõi lòng bằng những tia sáng phát ra.
Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết những người mang năng lượng của nắng? Có phải là những người hay cười và luôn tích cực với mọi chuyện buồn vui? Những người này không ngoại lệ nhưng cũng đừng quên những cá nhân luôn sống thật với cảm xúc và tôn trọng sự khác biệt giữa người với người. Tôi có quen một người chị, chị ấy vẫn có đủ những hỉ nộ ái ố như một người bình thường. Chị sẽ buồn khi trượt hợp đồng với khách, và cũng sẽ tức giận khi có ai đó hiên ngang sử dụng đồ dùng cá nhân của chị. Tuy nhiên, ở chị vẫn có những vầng quang ấm áp khiến ai cũng muốn xích lại gần. Đó là năng lượng của sự cảm thông và chữa lành. Tôi có thể điềm nhiên ở cạnh chị và huyên thuyên về những thứ quan điểm cá nhân mà không sợ bị đánh giá là phiến diện, đôi khi chờ mong một góc nhìn khác để mở rộng thế giới quan của mình hơn. Tôi đặc biệt thích tâm sự nỗi buồn cùng chị, ở chị có một năng lượng chữa lành cực mạnh. Mọi chuyện buồn bỗng hóa nhẹ tênh khi được trút bầu tâm sự với đúng người. Chị sẽ không phân tích cho tôi tại sao không nên buồn mà chị sẽ hiểu cho lí do vì sao tôi lại buồn đến thế, dù chuyện đấy nếu rơi vào chị, nó chỉ nhỏ nhoi như muối bỏ bể. Việc tôn trọng cảm xúc và giới hạn của mỗi người với chị là rất quan trọng.
Có lẽ, khi ta tâm sự với một ai đó, điều quyết định xem ta có kết nối với người ấy hay không là dựa vào cách phản ứng của họ. Khi có hiện tượng bất đồng quan điểm, cách hồi đáp sẽ được quy kết chủ yếu ra 2 kiểu: một là tích cực, hai là tiêu cực. Người mang năng lượng của nắng thường lựa chọn kiểu hồi đáp thứ nhất. Chị là vậy, dù 2 quan điểm có khác như “phấn và phô mai” (different like chalk and cheese) thì chị vẫn sẽ trả lời tôi bằng một sự ghi nhận và tôn trọng. Chị khiến tôi cũng từ từ tiếp nhận quan điểm khác lạ của chị, thay vì gồng người lên bảo vệ ý kiến của mình, tóm lại là không có sự hạ thấp, nâng cao, chà đạp, phủ nhận nào ở đây hết! Chỉ đơn giản là chúng mình là 2 cá thể khác nhau nên bộ não vận hành khác nhau chút mà thôi.
Mẩu chuyện 3: Chuyến đi phượt đầu tiên cùng bố
Hồi tôi mới lên 7, nhà vẫn còn chưa xây sửa, lụp sụp, vừa dột vừa nóng. Dù chỉ là đứa trẻ con vắt mũi chưa sạch nhưng tôi cũng hiểu là nhà mình thuộc hạng nghèo trong phố. Cơ mà kệ hết, vẫn thấy vui vẻ và yêu đời, cơm ăn đủ protein, ngủ đủ quạt đủ chăn là thích rồi. Bố mẹ tôi ắt hẳn tự hào lắm khi có một người con hiểu chuyện như tôi. Bố tôi là một người sống hoài niệm, ngày nào bố cũng kể lại chuyện cũ, thường sẽ là về thời đại học huy hoàng, hay về một người thầy giáo vì quý trọng tinh thần hiếu học của bố mà đùm bọc một vài bữa ăn. Hôm đấy khi gia đình tôi đang quây quần bên mâm cơm, sau khi và nốt miếng cơm cuối, tôi thấy bố nói chuyện với mẹ về mấy bọc nhãn quý mới gửi từ quê lên:
Bố tôi: “Nhãn đủ 10 cân rồi đúng không mẹ nó?”
Mẹ tôi: “Đủ rồi, nhưng anh đi xe máy có chở nổi không?”
Bố tôi: “Vô tư đi, cuối tuần này anh đi luôn!”
Bắt nhịp được câu chuyện, tôi hỏi bố ngay thông tin về chuyến đi bí mật. Hóa ra, bố muốn tự tay chở 10kg nhãn từ Hưng Yên sang Thái Bình để biếu thầy giáo Minh (người thầy đã cưu mang bố một thời gian thời đại học). Đối với bố mẹ, lựa chọn đi xe máy thời điểm ấy là để tiết kiệm chi phí nhất có thể, còn với tôi, đó chính xác là một chuyến đi kỳ thú nhất từ lúc vỡ lòng đến giờ. Chắc có lẽ bố cũng muốn một người bạn đồng hành nên tôi chẳng mất nhiều công sức để thuyết phục bố cho “bám càng” cùng. Mẹ tôi thì mang đúng tâm lý của người phụ nữ sâu sắc, lo lắng cho cái mông ê ẩm của tôi và sợ tôi đổ bệnh khi phơi nắng cả ngày trên đường. Nhưng 2 thì cũng thắng 1, tôi và bố hí hửng lên đường lúc 7h sáng vào một ngày cuối tuần nào đó tôi không nhớ nữa. Trạng thái cảm xúc của tôi biến động theo từng km, mẹ tôi vẫn là một nhà tiên tri đáng ngưỡng mộ khi đã đọc ra vanh vách tất cả những sắc thái cảm xúc cả về thể chất lẫn tinh thần của tôi ngay khi chuyến đi chưa bắt đầu. Hào hứng, ê ẩm, cay mắt, mệt mỏi, ngủ gật,… tất cả đều đủ hết. Tuy nhiên, tôi cũng dung nạp được cho mình cả khối điều hay ho suốt chặng đường 60km ấy.
Bố chỉ cho tôi hàng cây thuôn dài mềm mại bên đường là bạch đàn, bố dạy cho tôi định nghĩa về vận tốc, quãng đường và thời gian, bố bày cho tôi cách xác định Đông – Tây – Nam – Bắc khi manh mối duy nhất trong tay là mặt trời,…Và tất nhiên không thể bỏ qua những câu chuyện ngày xửa ngày xưa khi bố còn là sinh viên đại học. Bố bảo, bố cho tôi đi chuyến này để tôi mở rộng kiến thức về địa lý, cũng để cho tôi chào hỏi người thầy đáng kính của bố. Tôi ngồi đằng trước và chìm đắm hoàn toàn trong lời bố kể, bố lúc này thật vĩ đại và to lớn, bố thông thái và đầy trải nghiệm, cảm giác lúc ấy là bố còn thông tuệ hơn cả “Anh Biết Tuốt” tôi xem trên truyền hình. Dù cơn đau nhức vẫn đang túm tụm lại ở cái mông, cái mắt cay xè giàn giụa không mở được vì gió tạt, tôi vẫn thầm mong giá mà mình bé mãi để ngồi đằng trước được bố che chở và kể chuyện như này.
Nghe thật lạ lùng nhưng khi đã trưởng thành tôi nghĩ lại, không có một từ nào thích hợp hơn từ “phượt” trong trường hợp này. Hai cha con cùng trên 1 chiếc xe đang chở đống đồ, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, có đích đến rõ ràng và mang về những trải nghiệm đáng quý. Chuyến đi phượt đầu tiên của mình với bố năm 7 tuổi luôn là chuyến đi tuyệt vời nhất. Dù sau này có cơ hội được ghé thăm nhiều nơi đẹp hơn, nhưng cảm xúc của lần đầu biết tên một loại cây, một kiến thức khoa học ở độ tuổi trong sáng ấy mới thật khó tìm lại. Tuổi thơ chúng mình cần lắm những khoảnh khắc riêng với bố mẹ như này, vì sau này khi lớn lên, thời gian phai nhòa, chỉ những hình ảnh, âm thanh mang vết hằn của thời gian mới được bộ não chúng mình chọn lọc và giữ lại mà thôi!
Thân mời quý độc giả đón đọc Tập san Người PPJ số 14, tháng 6/2023 tại link