“Ơ thế Tết này chị không định về nhà à?”, câu hỏi vô ý ấy vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Nếu được quay trở lại thời khắc ấy lần nữa, tôi sẽ ôm chị, và nói lời cảm ơn dù muộn màng nhưng tôi biết sẽ phần nào xoa dịu được trái tim đang chằng chịt vết xước ấy của chị.
Gia đình tôi có 4 người bao gồm bố mẹ, anh trai và tôi. Chúng tôi sống ở một thành phố phía Nam không quá hiện đại nhưng cũng đầy đủ cơ sở vật chất. Bố mẹ tôi đều làm công ăn lương nên có rất nhiều thời gian chăm lo cho 2 anh em tôi học hành tử tế. Vì vậy, tôi có thể tự hào khoe với chúng bạn rằng mình có một tuổi thơ thật trọn vẹn và êm ấm. Dù cũng lớn lên bằng những trận đòn roi như mấy đứa nhóc đồng trang lứa, nhưng dẫu sao tôi cũng thuộc diện được cưng chiều. Từ nhỏ đến lớn công việc nặng nhọc nhất với tôi là rửa bát, lau nhà, còn lại anh trai và mẹ sẽ đảm đương tất cả việc to việc nhỏ để tôi chỉ cần lo học, lo ăn cho bản thân. Chắc cũng bởi cái sự cưng chiều đó mà vô thức hình thành trong tôi tính ỷ lại và ương bướng, ngang ngạnh.
Gia đình tôi vẫn giữ cái nếp sống đó như một truyền thống cố hữu. Chỉ đến khi tôi lên học cấp 3, anh trai tôi cũng vừa tròn 27 tuổi, sự thay đổi đầu tiên xuất hiện, xáo trộn mọi quy tắc và văn hóa ứng xử trong gia đình tôi. Đó chính là vợ của anh trai tôi, người mà tôi gọi là chị dâu. Sự thay đổi này thật may mắn là theo chiều hướng tích cực, ít nhất với riêng tôi là thế. Chị dâu tôi người Bắc, vào đây lập nghiệp rồi yêu và cưới anh tôi dưới sự ủng hộ của cả 2 bên gia đình. Vì để anh tôi yên tâm làm ăn công tác nên kết hôn xong chị chọn ở nhà, làm một người vợ hiền dâu thảo, chăm lo cho bố mẹ tôi và vun vén cho tổ ấm nhỏ đầy mới mẻ này. Phải công nhận rằng chị dâu rất đảm đang và chu đáo, từ ngày có chị nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp, bữa ăn nào cũng tươm tất đủ đầy, bố mẹ tôi từ đó cũng có nhiều thời gian hình thành những thói quen nâng cao đời sống tinh thần hơn như: tập văn nghệ cùng tổ dân phố, đọc sách, đi du lịch,…Còn riêng với tôi, lúc đầu sự xuất hiện của chị làm tôi có phần khó chịu, tôi vẫn quen việc là người duy nhất được anh hai chiều chuộng cưng nựng trong nhà, nhưng giờ đây tình cảm đấy đã phải chia sẻ với một người xa lạ khác. Rồi bẵng đi một thời gian, tôi cũng dần quen với sự hiện diện của chị, rồi lại thích có sự hiện diện ấy vì từ ngày có chị tôi như được vứt cho một cái phao cứu sinh. Những chuyện nhà vặt vãnh mà ngày xưa mẹ giục như hò đò như: lau nhà, dọn nhà vệ sinh, rửa mấy cái bát,… tôi chẳng bao giờ phải sờ tay vào nữa. Chị dâu tôi cứ thoăn thoắt làm xong tất cả trong chưa đầy 1 tiếng những công việc mà tôi mất cả nửa ngày mới hoàn thành. Giờ đây nhìn lại, nếu là 1 đứa biết điều, hẳn sẽ biết ơn những gì chị dâu đã làm với gia đình tôi lắm, nhưng tôi quá ích kỷ nên đã không hiểu sớm được như vậy, tôi coi đó là chuyện hiển nhiên, là chuyện dâu con trong nhà phải làm khi bước chân vào một gia đình mới.
Có hôm chị tôi ốm, tất nhiên con nhóc rảnh rỗi nhất nhà như tôi lại bị ký đầu ra làm. Chắc vì lâu không động tay động chân nên gân cốt cũng căng cứng lại, tôi lê lết vừa thở vừa làm một cách nặng nhọc, mãi mới xong. Xong xuôi quay lại thấy chị dâu tôi đứng sau cười châm chọc “Nhờ chị ốm mà em mới được giảm cân đấy”. Với cái tuổi đua đòi này thì đả động vào cân nặng của tôi là một điều tối kỵ. Tôi tức giận nạt chị “Đáng ra đây là việc của chị, chị giả vờ ốm để bắt em làm chứ gì”. Nói xong tôi cũng thấy giọng nói có phần gay gắt và hỗn láo, tôi tránh ánh mắt của chị mà lụi hụi lau dọn tiếp. Sau lưng tôi lúc này chỉ còn thấy tiếng bước chân rời đi nhẹ nhàng, lúc sau lại thấy tiếng cửa đóng lại, tôi cũng chẳng buồn mảy may để ý xem chị có tổn thương vì lời tôi nói không, nếu có chị cũng sẽ bỏ qua cho tôi thôi chứ ai chấp gì đứa trẻ con. Thế là mọi sự hỗn láo, vô tâm, thờ ơ của tôi được biện hộ qua loa bằng câu nói quen thuộc của người lớn “Trẻ con nó biết gì đâu”.
Mọi chuyện cứ thế trôi qua, gia đình 5 người chúng tôi vẫn bình bình ai lo việc nấy sống êm đềm qua từng ngày tháng. Ấy thế mà quay đi ngoảnh lại cũng đã đến Tết, cả nhà tôi lần đầu tiên có thêm một thành viên mới cùng dự Tết cổ truyền. Tết năm nay vì có thêm người mà nhà tôi làm linh đình hơn hẳn, khối lượng công việc cũng thế nhiều gấp đôi. Ấy thế mà chị dâu tôi vẫn cùng mẹ cáng đáng được hết từ chuyện: dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, trang trí, nấu cỗ đến chuyện thờ cúng, lễ bái, chúc tụng…Đều là những chuyện tôi mù tịt dù đã chứng kiến mẹ làm bao năm nay. Cũng không hiểu sao chị dâu tôi là người bắc mà lại am hiểu về cái tập tục văn hóa đón Tết ở miền Nam, đặc biệt là phong cách đón Tết ở gia đình tôi hơn cả tôi như vậy. Thật sự trong lòng lúc đó vừa ngưỡng mộ chị, vừa vui sướng vì năm nay có chị nên tôi càng có thời gian đi chơi tít mít cùng mấy đứa bạn.
Hôm đó là ngày Mùng 3 Tết Âm Lịch, trong lúc ba mẹ tôi đang bận tiếp khách, anh hai tút tát lại mấy cái cây trong vườn, chị dâu mải mê nấu mâm cỗ cúng nhỏ, tôi bỗng thấy mình dư thừa và vô dụng với chiếc ti vi quá. Thế là tôi quyết tâm đứng dậy phụ chị làm cái gì đó để cảm thấy như mình cũng đang hòa nhập với không khí tấp nập ngày Tết của gia đình. Chị tôi sẽ làm những việc khó như chặt gà, nấu măng,…còn tôi thú thật cũng chỉ biết giúp chị một vài việc vặt như nhặt rau, rửa quả. Để phá tan bầu không khí im lặng giữa hai chị em, tôi mạnh dạn hỏi chị một câu có vẻ như quan tâm lắm mà khiến tôi hối hận đến mãi sau này: “Ơ thế Tết này chị không định về nhà à?”. Đáp lại câu hỏi của tôi là sự im lặng của chị, một lúc sau bờ vai của chị cũng không giữ được bình tĩnh mà run lên bất chợt. Con dao trên tay chị lúc này đã không còn di chuyển. Tôi hoang mang không hiểu chuyện gì rồi lại truy vấn về câu hỏi lúc nãy của mình. Có vẻ như câu hỏi của tôi đã chạm vào giới hạn cuối cùng của chị. Bao nỗi buồn tủi, cô đơn trong lòng nay đã được giải tỏa qua những giọt nước mắt. Chính tôi cũng đang trải qua thứ cảm xúc tồi tệ khi nhận ra mình đã sống quá thờ ơ bao lâu nay, đặc biệt là với chị.
Hai chị em cứ thế yên lặng một hồi thì anh trai tôi xuất hiện, xé toạc bầu không khí nặng nề ấy, giải cứu tôi khỏi sự dày vò của một tỉ thứ cảm xúc hỗn độn. Chị cũng quệt vội nước mắt và trở về trạng thái vui vẻ dù hai mắt đã đỏ hoe. Anh tôi có hỏi thì chị bảo là do thái hành làm cay mắt thôi, rồi lại lụi hụi nấu nướng tiếp. Riêng tôi biết rằng, chị đang lại tiếp tục cất nỗi nhớ thương vào trong tim, và nỗi đau ấy vô tình bị tôi phát hiện.
Đêm đó, tôi nằm trằn trọc không ngủ được, trong đầu chỉ toàn hình ảnh chị tôi lau vội nước mắt để cười nói với anh hai. Có lẽ đây là phút yếu lòng hiếm hoi trong thời gian sống tại nhà tôi của chị. Tôi không nhịn được mà nhắn tin xin gặp chị nói chuyện một chút. Cứ ngỡ là chị đã ngủ nhưng chị đã nhắn lại ngay cho tôi với giọng điệu vẫn dịu dàng như mọi ngày. Mười phút sau, chị gõ cửa phòng tôi, trên tay là một túi đồ ăn vặt và vài chai nước ngọt, nhoẻn nụ cười nói với tôi “Nhậu với chị nhé!”.
Đối diện với chị, tôi thẹn thùng và xấu hổ đến nỗi quên sạch bài văn xin lỗi mình vừa chuẩn bị từ nãy. Hiểu ý, chị lên tiếng trước: “Chị bảo nè, năm nay là Tết đầu tiên chị xa nhà đấy, Út đã bao giờ tưởng tượng đến việc một ngày nào đó sẽ không còn được đón Tết cùng cả gia đinh mình nữa chưa?” Đúng là chuyện này tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng ra, câu hỏi càng làm tôi đồng cảm hơn với hoàn cảnh của chị. Tôi lấy hết can đảm xin lỗi chị vì cả quãng thời gian qua đã vô tâm và đôi khi là hỗn láo với chị. Nghe được những lời của tôi, dường như chị đã cảm nhận được sự chân thành và tìm kiếm được sự cảm thông chị khao khát bấy nay, đôi mắt chị rưng rưng, chị vươn ra nắm lấy tay tôi: “Út ngoan nhé, chị nghe được lời này của em là chị không còn thấy buồn gì hết nữa á. Chị không hề trách Út tí nào đâu, chiều nay lúc Út hỏi, chị khóc vì chị nhớ ba má ở quê thôi. Chị em mình từ nay chia sẻ nhiều với nhau như này nha!”. Đêm đó thật dài, chúng tôi thi nhau kể những câu chuyện thời thơ ấu, so sánh sự khác nhau giữa Tết miền nam và Tết miền bắc, rồi ti tỉ chuyện trên đời khác cho đến khi ngủ quên mất.
Đúng là nỗi đau dù cố kìm nén bao lâu cũng sẽ trào dâng như thác chảy khi ta động đến gia đình, một tiếng “nhà” tưởng như đơn giản nhưng thấu tận tâm can. Về sau tôi mới hiểu, chị không tự nhiên tháo vát hay đảm đang, vì chị yêu anh tôi, chị muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình nhỏ của chị, chị sợ trở nên lạc lõng ở nơi đất khách quê người nên chị bắt mình phải giỏi. Đó là tâm trạng chung của những người dâu xa xứ, xa gia đình gốc gác của mình và đánh cược cuộc đời mình vào một gia đình xa lạ. Tất cả hy vọng của chị đặt vào anh hai, chỗ dựa tinh thần của chị là lời hỏi thăm, an ủi và thông cảm từ gia đình nhà nội. Từ sau buổi trò chuyện đấy, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn chị vì đã giúp tôi hiểu thêm về giá trị của tình cảm gia đình, biết trân trọng những gì đang có và học cách sống cảm thông giữa người với người.