Dường như cái việc đếm từng dấu hiệu đầu tiên của Tết đã trở thành một thói quen vô thức của mỗi người dân Việt. Ta ngóng chờ từng nụ đào đầu tiên, ta hào hứng đón gió đông cuối mùa, ta chờ đợi từng chuyến xe đưa đón, để rồi cuối cùng là gieo nhớ nhung vào mái ấm quê nhà. Dù nhịp sống nhanh và bận rộn ngày nay đã khiến cho nhiều tập tục truyền thống không còn trọn vẹn như ngày xưa, nhưng ý nghĩa của những ngày Tết cổ truyền vẫn không hề mai một. Với người Việt mình, chỉ cần được đoàn tụ cùng gia đình, thì Tết mãi mãi là quãng thời gian quý báu. Vì chẳng có gì hạnh phúc bằng Tết đoàn viên, chẳng có gì an yên bằng mùa sum họp. Vậy, với những người con xa xứ thì sao? Những con người gói gọn nỗi nhớ quê nhà để chọn lựa gắn mảnh đời mình nơi đất khách quê người. Với họ, cảm nhận về Tết Việt có lẽ sẽ đan xen nhiều cảm xúc hơn. Còn với riêng các cộng sự người nước ngoài tại PPJ Group, đó là cả một bầu trời của sự ngỡ ngàng, lạ lẫm, cảm giác khác biệt xen lẫn tò mò. PPJ Group là một Tập đoàn đa quốc gia có mạng lưới nhân sự vượt ra khỏi lãnh thổ chữ “S”, đặc biệt có nhiều nhân sự nước ngoài cốt cán làm việc trên chính mảnh đất này. Họ vốn đã có những ký ức riêng về tục lệ đón năm mới trên quê hương của mình, giờ đây họ lại có thêm những trải nghiệm thú vị khi hòa nhập cùng Tết cổ truyền Việt. Vì vậy, Tết trong họ là sự tổng hòa và đối chiếu giữa 2 nền văn hóa: nền văn hóa đã nuôi dưỡng họ lớn lên thấm nhuần trong huyết mạch và nền văn hóa đang ngày ngày bồi đắp, len lỏi vào đời sống thường ngày. Trong bài viết “Tết trên quê hương những người đồng nghiệp xa xứ” của số tập san Tết 2023 này, hãy cùng Ban Biên tập tìm hiểu về những phong tục tập quán vào ngày Tết tại Sri Lanka, Ấn Độ, Philippines,…nơi là quê hương của những nhân sự nước ngoài của PPJ Group, đồng thời lắng nghe những cảm nhận chân thật của họ khi tìm cách hòa nhập với văn hóa bản sắc Việt Nam nói chung và Tết cổ truyền nói riêng nhé!
Ngày tết cổ truyền tại Ấn Độ
Điểm đặc biệt tại Ấn Độ là thời điểm đón năm mới khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Miền Bắc chào đón năm mới vào tháng 4; trong khi miền Nam vào trung tuần tháng 3; bang Kirala vào tháng 6; ở miền Tây Ấn tháng 11-12. Song tất cả đều coi đó là những ngày hội lửa. Ở nước này, lễ hội đầu năm cũng được gọi với nhiều tên khác nhau như lễ Vishu đối với người dân ở bang Kerala, lễ Ugadi của bang Karnataka, Andhra và ở bang Punjab là lễ Baisakhi. Thêm vào đó, lễ mừng năm mới ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở từng vùng khác nhau. Ví dụ, vào ngày này, cư dân miền Bắc trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng. Trong khi đó, ở miền Nam, lễ mừng năm mới nhất định phải có một mâm quả. Tuy nhiên, điểm chung đặc biệt chính là mâm cỗ mừng năm mới trong các gia đình Ấn Độ không thể thiếu món ăn truyền thống là beriane (cơm trộn thịt).
Món ăn truyền thống Ấn Độ Beriane
Quà năm mới ở Ấn Độ phổ biến nhất là gửi tặng phẩm màu hay bôi màu trực tiếp vào nhau. Trong các trường học, vào những ngày này, học sinh, sinh viên có thể bôi màu lên người các thầy cô giáo, còn trong các nhà máy, xí nghiệp, nhân viên có thể bôi phẩm màu lên người các sếp để chúc một năm mới may mắn và tốt lành. Tuy nhiên ở một số vùng, người ta té nước thay cho bôi phẩm màu. Bên cạnh đó, người Ấn Độ còn gửi cho nhau những túi quà “ngọt ngào” – thường là đồ ngọt. Những túi quà gửi tặng cho bạn bè, người thân, láng giềng là biểu hiện của sự quan tâm và lời chúc mừng một năm mới đầy may mắn.
Mặc dù hình thức và thời gian tổ chức năm mới ở các vùng của Ấn Độ khác nhau, nhưng tất cả đều tuân thủ một nguyên tắc chung, đó là vào ngày này, ai cũng tỏ ra vui vẻ và đặc biệt là rất quan tâm tới mọi người xung quanh. Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Ấn quan niệm rằng năm mới được đón thế nào thì sẽ trôi qua như thế.
Ngày tết cổ truyền tại Philippines
Philippines có thể được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hoá châu Á. Đến năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Tại Philippines, dù Giáng sinh là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm nhưng Tết dương lịch lại là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Đối với người Philippines, ngày tết biểu tượng cho sự thay đổi, hi vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp.
Cách chào mừng ngày tết của người dân Philippines vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây lẫn Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng mang những nét truyền thống đặc trưng. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác, trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới. Trong những ngày Tết, người dân Philippines thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng.
Bàn tiệc Median Noche ở Philippines
Chị Opena Myra Jene Epino, một nhân sự người Phillipines, hiện đang giữ chức vụ Trưởng nhóm Wash Merchandiser, đến nay chị đã làm việc tại PPJ Group được tròn 2 năm. Theo lời tâm sự của chị, Tết Nguyên đán của Việt Nam cũng giống như Tết truyền thống của quê hương chị. Hai nền văn hóa đều đề cao giá trị tình cảm gia đình, nên Tết là cơ hội quý giá để đoàn tụ và quây quần bên những người thân yêu, tặng cho nhau những món quà ý nghĩa và đặc biệt tặng tiền lì xì lấy may đầu năm.
Chị Opena Myra Jene Epino- Trưởng nhóm Wash Merchandiser, nhân sự người Phillipines
Hai năm gắn bó với gia đình PPJ Group là 2 năm chị được thưởng thức trọn vị Tết cổ truyền Việt. Chị tâm sự cho chúng tôi nghe về kỷ niệm khó quên khi tận hưởng kỳ nghỉ lễ tại Đà Lạt và Mũi Né: “Tôi thường về Philippines trong kỳ nghỉ Tết Việt vì tôi muốn tận dụng ngày nghỉ dài để về thăm quê hương của mình. Nhưng do đại dịch Covid-19 kéo dài ròng rã, nên 2 năm qua tôi đã có cơ hội đón Tết ở Việt Nam. Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất với tôi là vào năm ngoái khi tôi chọn Đà Lạt & Mũi Né là điểm đón năm mới cùng gia đình và bạn bè. Ở Đà Lạt, chúng tôi ở trong khu nghỉ mát Wonderland – một khu nghỉ mát cao cấp và đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng trong mơ. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất vẫn là dạo chơi chợ Đà Lạt ngắm những cành đào, cành mai rực rỡ dưới cái tiết trời se lạnh ở Đà Lạt. Gia đình chúng tôi rất thích chuyến đi đó và mong muốn được trải nghiệm thêm nhiều lần nữa để hiểu hơn về phong tục tập quán của con người nơi đây. Một trải nghiệm đầu tiên và khó quên khác mà tôi có được đó là ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ tết 2022. Tôi đến Công ty làm việc bình thường và thật bất ngờ khi được nhận những phong bao lì xì may mắn từ các Sếp và những người anh người chị trưởng bối trong nghề. Điều này khiến tôi nhớ về những ngày còn nhỏ, vào dịp Giáng Sinh ở Philippines, chúng tôi thường đến gặp cha mẹ đỡ đầu của mình, hay ở quê hương tôi gọi là “Ninong & Ninang” để nhận quà và lì xì. Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa này thật sự khiến tôi thấy thật gần gũi và ấm áp dù đón Tết ở một mảnh đất không phải quê hương mình.”
Tết Năm Mới của người Sinhalese ở Srilanka
Năm mới của người Sinhalese bắt đầu vào khoảng trung tuần Tháng 4 dương lịch. Ngày tết năm mới của người Sinhalese trên thực tế ra ngày tết chào mừng sự được mùa. Giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, Tết năm mới của người Sinhalese có là nghĩa tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới. Trước khi năm mới đến, mọi người vội vã kết thúc công việc bắt đầu quét dọn nhà cửa, khâu vá quần áo và chuẩn bị thực phẩm cho ngày tết. Ngày trừ tịch, người ta làm lễ đổ bỏ toàn bộ số tro cũ trong bếp, chuẩn bị cho bếp có tro mới. và tích chứa nước trong cho đầy đủ, họ cho rằng gánh nước ngày trừ tịch ra lần gánh nước cuối cùng năm, những ngày đầu năm mới kiêng không gánh nước, trong lần gánh nước cuối cùng đó họ vứt xuống giếng một nhành mai bày tỏ sự tiễn biệt một năm cũ.
Trước năm mới, mọi người đều phải tắm gội. Đây cũng nằm trong hệ thống các tập tục nhằm trút bỏ những gì thuộc về năm cũ. Người ta gội đầu bằng một loại nước đặc biệt chế từ loại thảo mộc có mùi thơm và tay sạch được bụi bần. Người Sinhalese cho rằng gội đầu vào ngày cuối năm có thể tránh được bênh tật và kêu gọi được điềm lành và tài lộc.
Cũng trong ngày trừ tịch, người ta làm các món ăn để liên hoan, hầu hết đều được làm bằng sữa bò, chuối và các loại hoa quả. Mỗi nhà đều trải ra nhà những chiếc chiếu mới và tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng ăn uống vui vẻ.
Trong ngày đầu năm, người ta dùng số thóc gạo mới thu hoạch được nấu thành các món ăn để cả nhà liên hoan. Sau đó, họ tham gia vào các trò chơi, đáng chú ý nhất là trò chơi đua voi và hội đánh trống. Hội đánh trống thường do các chị em phụ nữ tham gia, ở các vùng có người Sinhalese sinh sống, làng nào cũng có chiếc trống lớn. Vào ngày đầu năm mới, người ta đem chiếc trống lớn đó đặt lên trên một giá gỗ. Các cô gái quay xung quanh chiếc trống, họ vừa đi vừa múa vừa dùng tay dập vào mặt trống, cuộc thi như thế kéo dài thâu đêm suốt sáng.
Phố lên đèn, những ngày cuối năm phố càng thêm nhộn nhịp, nhìn đâu cũng thấy hương vị Tết. Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết đến, thành phố những ngày này đỡ kẹt xe hơn hẳn. Vì vậy hãy tranh thủ những ngày cuối cùng của năm để hoàn thành nốt các công việc còn dang dở, chuẩn bị tâm thế thảnh thơi và nhẹ nhàng đón một cái Tết an yên. Dù bạn là ai, mang quốc tịch nào, tôi cũng chúc bạn có một mùa Tết Cổ Truyền thật ấm áp, yên bình và trọn vẹn bên gia đình, người thương.
Mời Quý độc giả đón đọc Tập san Người PPJ số 10 tại link:
Ban Biên tập