Dường như, trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đều biết rằng Tết Nguyên đán chính là một trong những kỳ nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất của đất nước Việt Nam từ xưa đến giờ và nó luôn mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc, độc đáo. Vậy Tết Nguyên đán thực chất có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa tên gọi của nó là như thế nào?
Nguồn góc tên gọi Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán của Việt Nam, hay còn gọi là Tết cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền…do đây là Tết đầu tiên trong năm, để phân biệt với một số dịp lễ khác như Tết Khai hàng, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…Tết cổ truyền là một trong những dịp lễ quan trọng của đất nước Việt Nam. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn đón chào năm mới như Tết Táo quân (23 tháng Chạp Âm lịch), Tất niên (29,30 tháng Chạp Âm lịch)…
Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn và lâu đời nhất nước ta, đồng thời có phạm vi cực kỳ phổ biến và rộng rãi từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau của Tổ Quốc. Đây được coi là một ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp nhất của cả dân tộc. Nhưng ít ai biết rằng, từ những thế kỷ trước, bắt đầu từ thời Lý – Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách vô cùng trang trọng và linh thiêng.
Theo truyền thuyết và lịch sử của nước ta thì từ thời họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang đến thời Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân rồi vị thần này kết hôn với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương thì từ ngày ấy, người Việt ta đã ăn Tết. Minh chứng rõ nhất cho việc này đó là sự xuất hiện của bánh chưng, bánh giày – nhờ sáng kiến của Lang Liêu – con trai thứ 18 của đời Hùng Vương thứ 6.
Từ đó, có thể thấy rằng nước Việt ta đã sớm hình thành một nền văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của người Việt – với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, cùng những sản vật từ lúa, gạo. Gạo – sản vật chính nuôi sống con người, trong đó có gạo nếp thơm ngon nhất nên được chọn làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm.
Ý nghĩa sâu sắc của Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán không chỉ thể hiện sự giao giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh trong quan niệm của người phương Đông. Mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Tết Nguyên đán với ý nghĩa sâu xa và mang tính thiêng, trang trọng là tiễn đưa năm cũ, chào đón, chúc tụng năm mới sức khỏe con người tốt hơn, sinh kế khá hơn, hạnh phúc cá nhân – gia đình bền vững hơn và khởi đầu từ ý thức hệ nông nghiệp, sau dần tỏa rộng trong đời sống con người toàn xã hội, song vẫn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.
Người Việt cho rằng, Tết Nguyên đán là cơ hội để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững.
Người ta tin rằng, vào dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên cũng sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, ở nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu, và từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng. Đó là ý nghĩa tâm linh của Tết Nguyên đán.
Khi thắp nén hương, bày mâm cỗ cúng dâng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán, người Việt mới thấy thỏa mãn và yên lòng trong cuộc sống tiếp theo khi bước vào năm mới.
Tết đến, người Việt chuẩn bị mọi điều kiện sống đầy đủ, có đạo đức, có truyền thống tốt. Chẳng hạn: ăn phải ngon, bổ dưỡng, khác hẳn ngày thường. Mặc phải đẹp, bất kể lứa tuổi nào, bất cứ giới nào: nam hay nữ, nông dân, thợ, kẻ sĩ hay chức sắc, lão bà hay lão ông.
Ai cũng thấy như phải gần gũi nhau hơn, nói những điều hay với ngôn ngữ chọn lọc. Chẳng hạn, Tết là phải chúc mừng nhau: sức khỏe, tuổi tác (trường thọ), chúc”làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái”… Có phần ngoa ngôn, song vẫn êm tai và thực lòng. Cho nên, Tết đến, người ta vui vẻ, dịu hiền, là cơ hội để hòa giải những bất đồng, “giận đến chết đến Tết cũng thôi”.
Đó là giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ mà người Việt muốn đạt tới và thường đạt tới. Cho nên, những ngày trong dịp Tết Nguyên đán thực sự là những ngày vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.
Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc. Ngày Tết cũng là cơ hội để tỏ lòng biết ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên cảm ơn cấp lãnh đạo. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết…
Mời Quý độc giả đón đọc Tập san Người PPJ số 10 tại link:
Ban Biên tập