Một phương pháp hay cũng là một nghệ thuật giao tiếp
Tháng 6 vừa qua cũng là thời điểm khởi động lại chương trình WRAP tại Phú Yên sau một thời gian tổ chức online vì Covid-19. Đây là sự kiện lớn do Phòng Compliance và Phòng Nhân sự Tiền lương đứng ra tự tổ chức. Buổi hội thảo mời những đơn vị lớn đến để chia sẻ cho các học viên là CBCNV các Nhà máy khu vực miền Trung của PPJ Group về việc nhận thức – thực hiện – kiểm soát hệ thống Compliance. Anh Tý với vai trò dẫn dắt buổi hội thảo đã thành công trong việc kéo gần khoảng cách giữa các thành viên, giúp mọi người phá tan lớp băng rào cản để nói lên những suy nghĩ của riêng mình. Sự kiện offline này là cơ hội để các anh chị em giữa các nhà máy được giao lưu kiến thức với nhau. Anh Tý đã tận dụng được những khác biệt về môi trường, ngành nghề, chuyên môn của các học viên để hâm nóng không khí bằng những cuộc thảo luận và thuyết trình sôi nổi. Anh bày tỏ quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc phản biện ý kiến trong lớp. Đây cũng chính là phương pháp giảng dạy anh muốn hướng tới cho các lớp học nội bộ của mình. Anh chia sẻ rằng, các lớp học anh đứng lớp đều hướng tới hình ảnh thân thiện và gần gũi, rời xa những khái niệm mơ hồ và lý thuyết khô khan. Các học viên sẽ được trực tiếp đóng vai là khách hàng để hiểu những tiêu chuẩn Nhà máy, làm bài tập nhóm và tự thuyết trình để tăng tư duy phản biện, cuối cùng là áp dụng ngay vào thực tiễn để phát huy tối đa kiến thức được học.
Có thể nói, mọi giảng viên tại PPJ Group đều có cho mình những cách giao tiếp riêng với các học viên của mình. Giống như anh Tý và chị Tiên, anh Hà cũng dẫn dắt học viên đi từ bài học thực tiễn thay vì lý thuyết. Vốn đi lên từ sản xuất, anh Hà cho rằng, việc nắm vững lý thuyết trước khi thực hành và ngược lại thực hành thuần thục khi đã hiểu rõ lý thuyết là vô cùng cấp thiết. Vì vậy, anh luôn khai mở tư duy của người học bằng những câu hỏi về nguyên nhân, cách thức giải quyết và cơ sở lý luận cho từng vấn đề. Anh lấy ví dụ về bài giảng tính toán hiệu suất, thay vì trực tiếp đưa công thức, anh Hà sẽ hỏi các học viên rằng hiệu suất Nhà máy đang ở mức nào? Vì sao lại có kết quả như vậy? Hàng năm Nhà máy áp dụng phương pháp gì để khắc phục?… Sau khi cùng thảo luận và đưa đáp án, anh mới bắt đầu dẫn dắt họ về bài giảng của mình. Như vậy khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn như được thu hẹp, người học được tiếp thu kiến thức một cách chủ động chứ không phải thụ động tiếp nhận tri thức.
Những trang sách không ngủ
Bên cạnh kỉ niệm vui, thành tựu lớn, những người giảng viên của chúng ta cũng đã trải qua nhiều khó khăn ít người thấu hiểu, mà đến nay khi được hỏi đến họ mới trải lòng với chúng tôi. Những nội dung giảng dạy tại PPJ Group thường là những kiến thức được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy các giảng viên nội bộ bắt buộc phải biên soạn lại bài giảng theo hướng tiếp cận gần gũi và thiết thực nhất để người học dễ dàng tiếp thu. Họ luôn phải đặt mình vào vị trí của người học để thấu hiểu nội tâm và tìm kiếm nút thắt chưa được gỡ mở. Chị Tiên, anh Tý, anh Hà và chị Tuyền chính là các tác giả đã biên soạn lên những trang giáo án đang được giảng dạy hàng ngày tại PPJ Group. Vinh dự được tham khảo bài soạn của anh chị, Ban Biên tập chúng tôi mới hiểu rõ sự vất vả của những người giảng viên ấy, đây chính là kết quả của những đêm không ngủ, là sự cầu toàn của Người PPJ và là toàn bộ tâm huyết của một người thầy.
Bài học của người thầy
Chính quá trình nhân rộng con chữ ấy cũng đã khơi dậy và phát triển nội lực của người thầy rất nhiều. Bởi lẽ, muốn gieo hạt vươn thành cây thì bàn tay người làm vườn phải thật lành nghề, khéo léo và dày dặn kinh nghiệm. Những anh chị giảng viên nội bộ của chúng tôi luôn nhận thức được rằng phải tự mình học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp thì công tác giảng dạy mới suôn sẻ. Tôi vẫn hay nghe chị Tiên nói rằng: “Nếu chúng ta không trau dồi kiến thức làm sao chúng ta có nhiều kiến thức để cho đi, nếu chúng ta không trau dồi kinh nghiệm thì làm sao chúng ta có kinh nghiệm để chia sẻ. Người giáo viên giỏi là người giúp được cho người khác giỏi hơn mình”. Với anh Hà, anh Tý, bài giảng lớn nhất cho bản thân là phải biết lắng nghe, biết cảm thông và biết làm phong phú kiến thức. Còn riêng chị Tuyền, giảng dạy đã giúp chị tôi luyện nên tinh thần gai góc của người nhà giáo, dứt khoát, mạch lạc là điều bắt buộc để làm chỗ dựa vững chắc cho học viên của mình.
Nghề dạy học không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc, kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đó đến 20 năm sau. Lắng nghe câu chuyện của các anh chị, chúng tôi mới thấy được những hy sinh thầm lặng họ đã phải trải qua, hiểu thấu “hành trình chuyên chở” tri thức họ phải chinh phục, tất cả nỗ lực đều vì mong muốn trở thành tấm gương sáng trong mắt những người học viên và cũng là những người đồng nghiệp thân thương. Nhân ngày 20/11, nhân tháng Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam, thay mặt toàn thể các CBCNV đang công tác tại PPJ Group, Ban Biên tập xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các anh chị giảng viên nội bộ của PPJ Group. Tất cả tình cảm chân thành và lòng tôn kính xin được gửi gắm qua bài viết này thay cho bó hoa rực rỡ. Và cuối cùng, xin được chúc các anh chị giảng viên luôn mạnh khỏe, giữ vững được lửa nghề và ngày càng có thêm nhiều bài giảng hay hơn nữa.
Mời Quý độc giả đón đọc Tập san Người PPJ số 08 tại link:
Ban Biên tập