Ai mà không lớn lên qua lời hát ru của mẹ, qua giọt mồ hôi sớm nắng dãi dầu của cha. Nhưng có phải khi mắt mẹ đã nhòe, lưng cha đã còng thì cha mẹ sẽ được tận hưởng sự báo hiếu của con cái? Sẽ được sống thong thả bên ngôi nhà khang trang và chén trà mạn buổi chiều? Sẽ được hàn huyên vui vẻ kể chuyện tuổi trẻ nồng nhiệt với bạn bè và con cháu? Chắc chắn sẽ có nhưng không phải tất cả ai cũng đi theo quy luật của tự nhiên: lam lũ tuổi còn trẻ và sống một đời an nhiên tuổi xế chiều. Ba mẹ tôi cũng vậy, tôi không biết họ có bao giờ thực sự hạnh phúc không khi đầu hai mái nhưng vẫn lo lắng khi biết tôi bỏ cơm tối vì bận việc,…rồi ti tỉ nỗi lo thường trực cứ vởn quanh trong tâm trí khác.
Tôi năm nay 26 tuổi nhưng chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ tôi có một ngày nghỉ đúng nghĩa ở cái tuổi này, trong khi tôi cứ hồn nhiên tặc lưỡi cho qua đống công việc sang một bên để thưởng cho tuổi trẻ những chuyến du lịch YOLO không biết đến ngày mai. Mẹ bảo “Mẹ hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc”, vậy là mẹ vẫn chưa từng nghĩ cho hạnh phúc của mẹ. Mẹ đặt hạnh phúc của con lên trên hạnh phúc của mẹ. Hay nặng nề hơn, mẹ tôi đã đánh mất bản thân mình, quên đi cái quyền được mưu cầu hạnh phúc như một công dân đất Việt bình thường.
Tuần vừa rồi mẹ có lên Hà Nội thăm tôi. Nói không ngoa chứ đúng là chỉ thiếu mỗi nước bê cả cái chợ lên cùng. Để lên đến căn trọ nhỏ vỏn vẹn 25m vuông của tôi mà phải mất 2 lượt bê đồ mới đủ. Mẹ mở tủ bếp, lật thùng gạo, soi tủ lạnh rồi cười đắc chí “Mẹ biết ngay là thiếu cái gì mà”. Tôi và mẹ cùng bỏ đồ ra cất và tôi thật sự khâm phục cái tài chịu mang vác gói ghém của mẹ. Từ đồ ăn như là bánh đa, miến, mộc nhĩ, thịt,… đến đồ gia dụng như nồi chiên không dầu, máy ép hoa quả,… thậm chí đến cái thứ gia vị không thiếu ở bất kỳ khu chợ nào như hạt tiêu mẹ cũng không quên chuẩn bị. Người mẹ 49kg của tôi lúc nào cũng chỉ sợ con gái gầy ốm ăn uống không đủ chất mà không nhận ra rằng từng múi cơ trên người mình đã teo đi nhiều như nào.
Cất đồ xong tôi hãnh diện khoe mẹ list địa điểm tôi đã chuẩn bị để đưa mẹ đi thăm thú trong 2 ngày ngắn ngủi mẹ ở đây. Nào là lên Hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền, nào là qua Đường Thành ăn chả cá lăng, nào là ghé Cầu Giấy nghe nhạc Trịnh,… Nhìn lịch trình dày kín tôi vẽ ra mà mẹ cười tít, kêu đi nhiều chỗ thế này có tiền trả cho mẹ không? Tôi vênh mặt nói với cái giọng ra vẻ lắm “Thì con cũng đi làm tích lũy cả năm chả nhẽ có chút số lẻ này không đãi được mẹ!” Chốt xong hết các hạng mục vui chơi tôi cùng mẹ hí hửng sửa soạn tắm rửa “lên đồ” đi đến địa điểm đầu tiên trong checklist của tôi.
Đưa mẹ đi ăn chả cá lăng ở Đường Thành luôn là một trong những ước muốn từ lâu của tôi. Đây là một món ăn truyền thống ở Hà Nội, là niềm tự hào của ẩm thực Hà Thành, là tinh hoa bao trọn cái nết sành ăn của người Đông Đô. Vì vậy, với người phụ nữ chỉ bận lo cơm áo gạo tiền tất bận tối mặt như mẹ tôi thì cả đời kiếm ở đâu giây phút được thong thả thưởng thức ẩm thực ấy. Tôi mong chờ lắm giây phút mẹ tạm cởi bỏ hết lo toan bộn bề và chỉ cảm nhận cái vị thơm mềm của cá tan trong miệng thôi. Quan sát kỹ vẻ mặt của mẹ mà tôi thật phải kìm nén nước mắt, lâu rồi mẹ mới cười an nhàn như vậy. Mọi lần dù có giấu kỹ thế nào tôi cũng vẫn nhìn ra được, nhưng có vẻ lần này, mẹ thật sự đang đắm chìm trong hạnh phúc rồi. Chả biết do lần đầu được tận hưởng một bữa ăn thật sự, hay do cảm động vì lần đầu tiên con gái mời, nhưng dù lí do là gì, mẹ cũng đã vất vả rồi, mẹ xứng đáng được hưởng tất cả những hạnh phúc này sớm hơn mới phải.
Nhìn mẹ vui, cảm giác day dứt cứ cuộn trào trong dạ dày tôi, ngược lên đến họng, như 1 trái bóng nước, tưởng chừng như ai đó động vào quả bóng trong lòng tôi lúc này là nó sẽ vỡ òa ra, không cách nào kiềm chế được. Mẹ hỏi sao không ăn mà cứ nhìn mẹ, tôi trả lời “Nhìn mẹ ăn là con thấy no rồi”. Nói xong tự thấy buồn cười vì trước giờ toàn là mẹ nói thế với tôi để nhường tôi mấy món ngon, giờ chính mình nói ra câu này mới càng hiểu thấu lòng mẹ.
Ăn uống xong xuôi, hai mẹ con lại ríu rít dắt nhau lên Tràng Tiền ăn kem, tiện ra phố đi bộ chụp ảnh ngắm Tháp Rùa đêm. Mẹ kể cho tôi nghe thật nhiều chuyện cũ, chuyện mẹ hồi trẻ, chuyện tình với bố,…hết chuyện này đến chuyện khác ríu rít ngỡ tưởng xung quanh chả còn ai ngoài đất trời, sóng hồ cũng phẳng lặng như thể không muốn để lọt chữ nào từ câu chuyện của mẹ. Chưa bao giờ mẹ lại bộc bạch nhiều thế, chưa bao giờ mẹ kể về mẹ nhiều hơn là lắng nghe chuyện của tôi. Đèn đường cam nhạt đổ lên mái đầu mẹ, bao trùm thân thể gầy rộc của mẹ khiến bóng lưng kia càng lộ rõ vẻ hao gầy. Thương mẹ quá, tôi ôm mẹ bật khóc, quả bóng nước lúc này đã không thể kìm nén được nữa mà òa ra ướt nhòe vai áo mẹ. Mẹ ngỡ ngàng nghe tiếng thút thít của tôi mà chả hiểu chuyện gì, nhưng cũng chả hỏi nguyên nhân mà chỉ vỗ về tôi như lúc nhỏ. Chờ cho thanh âm ứ đọng trong cổ họng kia đã tắt, tôi mới lấy bừa lí do là nghĩ đến ngày mẹ về buồn quá nên mới khóc cho mẹ yên tâm.
Ngồi thêm một lúc rồi 2 mẹ con đứng dậy đi về để chuẩn bị cho những lịch trình ngày hôm sau. Đêm cuối trước khi mẹ về, nằm trên giường thao thức, rồi lại quay ra nhìn mẹ, tôi ôm mẹ chặt nỗi hận không thể bám chân mẹ cả ngày như xưa. Chờ mãi đến khi mẹ ngủ, tôi mới rón rén nhón từng ngón chân nhét hết đống tiền tiết kiệm cả năm qua của tôi vào túi đựng quần áo của mẹ. Tôi chắc chắn rằng nếu mẹ phát hiện ra sẽ giận tôi lắm. Nhưng biết thế nào được, thôi thì tôi chịu khó không về quê mấy tháng vậy. Hoàn thành xong nhiệm vụ, tôi mới an tâm ôm mẹ ngủ tiếp cho tới sáng.
Tám giờ xe tới đón, nhưng cái thói quen dậy từ 6h chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà đã hằn sâu trong tiềm thức mẹ. Tôi tỉnh dậy cũng bởi cái mùi xôi thịt kho quen thuộc và tiếng bếp núc lách cách. Mùi thơm của nếp mới, đậm đà của nước hàng, và tròn vị của thịt ba chỉ ấy đã nuôi tôi lớn bằng từng này. Tôi có thể tự tin rằng nếu để tôi phân biệt mùi xôi thịt kho của mẹ làm với hàng trăm bát xôi thịt kho khác chắc chắn tôi vẫn làm được. Lâu rồi mới được ăn lại món này mà lòng vui như nhảy múa, mẹ thấy tôi ăn được nhiều cũng gắp lấy gắp để các loại nhân bỏ vào bát tôi. Giá như bữa ăn này cứ kéo dài vô tận, thời gian ngừng đọng lại khoảnh khắc này, giúp tôi được ở bên mẹ lâu hơn một chút.
Đã tiễn mẹ nhiều rồi nhưng lần nào cũng thế, bịn rịn và thương nhớ vô cùng. Mẹ dặn dò tôi mấy điều đã nói cả trăm lần rồi vội bước lên xe. Quay mặt đi nén nước mắt để tôi đỡ lưu luyến, tôi cũng gượng cười vẫy tay để mẹ yên tâm. Xe lăn bánh, nhìn theo đến khi không còn thấy rõ hình dạng chiếc xe nữa tôi mới quay bước vào nhà. Dọn dẹp lại nhà cửa một chút và sắp xếp lại đống sách vở mẹ mang lên cho tôi vào kệ tủ. Tôi đứng hình dừng trước 1 cuốn sách. Cứ ngỡ tôi đã lớn thật rồi, tôi đã trưởng thành và có thể tự lo cho bản thân mình, giỏi hơn nữa là “chiều chuộng” lại mẹ dù chỉ chút ít trong khả năng của tôi. Nhưng con cái không bao giờ thắng được lòng cha mẹ, mấy tờ tiền 500.000 cùng một tờ giấy note kẹp vào quyển sách tôi nhờ mẹ cầm lên rơi xuống. Cố gắng đọc tờ note dù khóe mắt đã nhòe đi hàng lệ, mẹ viết “Con mua cái tủ lạnh mới nhé, mẹ thấy chật quá không đủ chỗ để đồ. Hà Nội mùa hè nóng lắm, mua tủ lạnh to mà có chỗ để kem”. Mẹ tôi đến đôi giày để mang cho đỡ đau chân cũng cân lên đặt xuống, suy tính mấy ngày cuối cùng vẫn quyết định không mua để dồn tiền đóng học nuôi hai con. Vậy mà chỉ vì nhìn thấy cái tủ lạnh bé tí của tôi mà quyết định thay mới ngay không chút lưỡng lự. Mẹ lúc nào cũng vậy, không để cho tôi thể hiện chút sự trưởng thành của mình dù chỉ một chút.
Nhiều khi tôi ước, giá như mẹ sống cho bản thân mình một ít, mẹ cho mình cái quyền mà mẹ gọi là ích kỷ đó và coi đấy là điều hiển nhiên. Như vậy tóc mẹ sẽ đỡ bạc hơn bây giờ, trán cũng bớt đi được một vài nếp nhăn. Nhắn tin cảm ơn mẹ và cất những suy nghĩ vào lòng, tôi càng muốn mình giỏi hơn nữa để không phụ lòng cha mẹ, để mang lại cho gia đình mình một cuộc sống tốt hơn.
Gần đây tôi có nghe một bài hát mang tựa “Ước mơ của mẹ”, nước mắt lại chảy ra vì thông điệp bài hát truyền tải sao giống với hoàn cảnh của mẹ thế:
“Khi còn bé mẹ ước sau này lớn lên
Mẹ sẽ tung bay đi khắp chân trời nhân thế
Rồi bỗng nhiên một ngày trong mẹ có con
Ước muốn khi xưa đã hoá ra con từ bao giờ”
Tôi cũng đã từng hỏi ước mơ của mẹ là gì, mẹ cũng chỉ trả lời qua qua và kết luận là không nhớ. Cơm áo gạo tiền đã vùi lấp đi tuổi trẻ của mẹ, vùi lấp hết đam mê và tài năng của mẹ rồi, và cả tôi nữa, tôi cũng chính là lí do khiến mẹ quẩn quanh trong cuộc sống bế tắc ấy. Tôi muốn nhắn nhủ với ba mẹ rằng: Điều tuyệt vời nhất ba mẹ có thể dành cho con là sống thật hạnh phúc và khỏe mạnh, bởi vậy, ba mẹ hãy yêu thương bản thân nhiều hơn và dựa vào con một chút nhé!
Mời Quý độc giả đón đọc bản đầy đủ của Tập san “Người PPJ” số 06 tại link:
Ban Biên tập