Chúng tôi tình cờ gặp gỡ anh Nguyễn Chí Trực khi anh đang đội nắng đi bộ ra Nhà máy Sợi 2, trong khuôn viên CTCP Dệt May Nha Trang. Quả thật là có duyên “không hẹn mà gặp”, bởi anh vô cùng bận rộn với những chuyến công tác triền miên như con thoi giữa Nha Trang – Đà Nẵng – Quảng Trị, 3 địa điểm có nhà máy anh phụ trách, và Thành phố Hồ Chí Minh – nơi gia đình nhỏ của anh mong chờ mỗi cuối tuần đón anh về. Chúng tôi luôn mong có dịp được gặp và nghe anh kể chuyện, bởi đã từng được nghe rất nhiều điều thú vị về anh, một lãnh đạo trẻ có Tài – có Tâm, một trong những người được anh Đặng Vũ Hùng tin cậy giao phụ trách nhiều công ty con nhất, và trong số đó có một đơn vị đem lại tỉ suất lợi nhuận cao bậc nhất trong hệ thống PPJ Group.
Anh Trực tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành Dệt Nhuộm năm 1997, sau đó đầu quân cho Coats Phong Phú, một công ty liên doanh khá có tiếng tăm trong ngành Dệt May Việt Nam lúc bấy giờ. Sau Coats, anh gắn bó với Dệt May Thành Công trong 3 năm, đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng Dệt Nhuộm, đúng với sở trường mà anh được đào tạo trong Trường. Sau khi Thành Công được mua lại bởi một doanh nghiệp Hàn Quốc, anh rời Thành Công, tìm thử thách mới trong lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn Itochu Nhật Bản. Tại đây, anh đảm nhiệm mảng đầu tư và phát triển, đề xuất các chiến lược vĩ mô, các thương vụ mua bán, sáp nhập, đầu tư cổ phiếu… Được gặp gỡ, mến cái Tài và tư duy độc đáo của anh Đặng Vũ Hùng, anh Trực chính thức gia nhập PPJ vào năm 2015, mang theo những kinh nghiệm phong phú tích góp được trong nhiều năm ở những doanh nghiệp lớn trong ngành, cả về mảng kỹ thuật và mảng kinh doanh. Từ đó, anh Trực luôn sát cánh cùng anh Hùng trong hoài bão xây nên một đế chế Dệt May mới của Việt Nam và khu vực.
Anh Nguyễn Chí Trực – TGĐ VTJ Toms, Giám đốc VTF, Phó TGĐ CTCP Dệt May Nha Trang
Đưa Sợi vượt khó
Là người đứng đầu Division Sợi – Dệt, 1 trong 4 division theo cách phân chia dựa trên lĩnh vực hoạt động trong hệ thống PPJ Group, không khó để hiểu vì sao anh Trực được “ưu ái” giao cho vực dậy Nhà máy Sợi 2 – một trong hai Nhà máy Sợi hiện vẫn đang hoạt động của Dệt May Nha Trang.
Chữ “ưu ái”, chúng tôi bỏ trong ngoặc kép, bởi quả thực đây là một bài toán vô cùng khó giải. Nằm trong khuôn viên hơn 40 tuổi đời của Dệt May Nha Trang, Nhà máy Sợi 2 cũng đã trải qua hơn 20 năm hoạt động. Dàn máy móc, thiết bị già nua và lạc hậu, kêu ồn ào mỗi khi vận hành. Bụi cotton phủ kín lối đi do hệ thống hút và lọc bụi sơ sài, hoạt động kém. Chất lượng sợi không đảm bảo nên đầu ra bấp bênh, công nhân thường xuyên phải nghỉ chờ việc. Công việc nhọc nhằn cùng đồng lương eo hẹp khiến nhiều CBCNV đành phải dứt áo ra đi tìm kế mưu sinh, khi mà ngành du lịch của thành phố biển đang khởi sắc, với nhiều công việc nhẹ nhàng hơn vẫy gọi.
Đứng trước Nhà máy với ngổn ngang những khó khăn như thế, anh Trực tự nhủ: “Đã nhận nhiệm vụ thì phải cố mà làm, và phải làm cho tốt, chứ không thể để nó tệ hơn được!”. Anh đi tìm những nhân sự kỳ cựu đã nghỉ để thuyết phục họ quay trở lại sát cánh cùng Nhà máy. Không phải chỉ thuyết phục bằng lời nói suông, mà anh dùng hành động để chứng minh cho họ thấy rằng Nhà máy rồi sẽ thay da đổi thịt. Được sự chấp thuận của Cơ quan Tổng Giám đốc, anh tiến hành chỉnh trang lại Sợi 2, đầu tư mới một phần máy móc, thiết bị, đồng thời cải tiến lại những máy móc cũ nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Để giải bài toán đầu ra, anh tận dụng lợi thế của hệ sinh thái dệt may hoàn chỉnh của PPJ Group, đưa sợi thành phẩm của Nhà máy Sợi 2 đi tiêu thụ nội bộ, một nửa đáp ứng đơn hàng của VTJ Toms – một trong 3 công ty con mà anh trực tiếp phụ trách, một nửa phục vụ cho chính nhu cầu của Dệt May Nha Trang.
Anh Trực kể với chúng tôi, rằng thời gian đầu tiếp quản, anh đã vận dụng mối quan hệ để tổ chức một chuyến đi thực tế cho 5 – 6 cán bộ quản lý của Nhà máy Sợi 2, tới thăm và học hỏi mô hình của một doanh nghiệp bạn trong ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp đó cũng có tuổi đời tương đương với Sợi 2, và cũng là doanh nghiệp 100% thuần Việt. Anh đặt ra câu hỏi: “Tại sao với những nền tảng tương tự nhau, họ làm được mà mình không làm được? Tại sao nhà máy của họ sạch sẽ và gọn gàng, còn nhà máy của mình khiến công nhân khốn đốn vì bụi bặm và tiếng ồn? Tuổi thọ máy cao, có thể khiến tốc độ chậm lại, sản lượng sụt giảm, nhưng đừng để chất lượng sản phẩm đi xuống, đừng để nhà máy xập xệ hơn, môi trường làm việc độc hại hơn, bởi đó là bài toán của quản lý, quản trị.” Anh vô cùng quan tâm tới vấn đề cải thiện môi trường trong nhà máy, làm sao để bớt nóng, bớt bụi, bớt ồn, có như vậy mới có thể thu hút công nhân mới, và giữ chân những người cũ ở lại.
Ngày hôm nay, khi chúng tôi tới thăm, Sợi 2 đã khác nhiều lắm, với không ít những tín hiệu tích cực. Nhà máy đã cắt được chuỗi lỗ dai dẳng, bắt đầu mang lại lợi nhuận đáng lạc quan và duy trì hoạt động đầy đủ công suất. Nhà máy vẫn còn ồn, vẫn còn vương bụi, đó là điều không thể tránh khỏi bởi đặc thù của sản xuất sợi 100% cotton, nhưng đã ở điều kiện có thể chấp nhận được. Lương công nhân đã lên tới gần 10 triệu đồng/tháng, một bước tiến đáng kể so với trước đây. Chúng tôi cũng được gặp gỡ những cô chú công nhân lớn tuổi, đã làm việc tại đây từ những ngày đầu, được nghe họ bày tỏ niềm tin về tương lai của Sợi, bất giác cảm thấy ấm lòng và vui lây.
Anh Trực chỉ cho chúng tôi khu vực Nhà máy Sợi 1, nơi chịu thiệt hại nặng nề của mấy năm thiên tai liên tiếp và đã ngừng hoạt động. Bức tường Nhà máy loang lổ màu rêu, im lìm nằm trong một góc của khuôn viên Dệt May Nha Trang. Chỉ một thời gian ngắn nữa, nơi này sẽ được chỉnh trang và tôn tạo, được đầu tư dây chuyền thiết bị mới, và sẽ lại nhộn nhịp tiếng máy chạy vui tai. Và trong năm sau, 2023, Nhà máy Sợi 4 cũng sẽ được xây dựng và dự kiến chính thức vận hành vào cuối năm, cung cấp sợi cho VTF – nhà máy dệt vải của PPJ Group tại Đà Nẵng. Sự ưu việt của chiến lược chuỗi cung ứng khép kín của PPJ Group đã được chứng minh bằng thực tế như vậy, khi những mắt xích trong chuỗi có thể hỗ trợ và bù trừ cho nhau, để cùng đạt được những kết quả tích cực nhất. Anh Trực cho rằng, Division Sợi – Dệt vẫn chưa thực sự là thế mạnh của PPJ Group, so với Wash và May mặc. Thời điểm 6 tháng cuối năm 2022 vẫn được dự báo nhiều thách thức cho ngành Sợi, với những bất ổn về giá cả và thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi có niềm tin rằng, với những chiến lược linh hoạt của Ban Lãnh đạo, sự quyết liệt của người đứng đầu Division như anh Trực, cùng sự đồng lòng của đội ngũ, Sợi sẽ tiếp tục vượt khó và đi lên.
Công nhân Cụm CN Dệt May Nha Trang
Luôn muốn làm khác
Trò chuyện với anh Trực cho chúng tôi cảm giác mạnh mẽ về một người lãnh đạo quyết đoán, luôn nghĩ đến cái mới, không thích đi theo lối mòn. Đảm nhiệm vai trò dẫn dắt 3 công ty con gồm: VTF tại Đà Nẵng, VTJ Toms tại Quảng Trị và Sợi 2 trực thuộc Dệt May Nha Trang, anh Trực luôn cân nhắc đến những đặc tính vùng miền để xác định cách thức quản lý, lãnh đạo cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng biệt, phù hợp cho từng đơn vị.
Để phá vỡ định kiến về những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của ngành Dệt May, anh Trực luôn đau đáu việc Xanh hóa nhà máy, Xanh hóa quy trình. VTJ Toms, nơi anh hiện đang giữ chức danh Tổng Giám đốc, là một trong những đơn vị có hệ thống và quy trình xử lý nước thải tốt nhất trong toàn Tập đoàn. Với chất lượng nước thải sau xử lý đạt chuẩn A+, VTJ Toms đã được tỉnh Quảng Trị vinh danh và tặng Bằng khen. Nhưng anh không định dừng lại ở đó. Trong thời gian tới, VTJ Toms dự kiến sẽ đầu tư bài bản vào hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, thu hồi lại 50% và tiến tới 100% nước thải, đưa nước thải sau xử lý quay trở lại phục vụ sản xuất, giảm tối đa phát thải ra môi trường.
Công nhân Cụm CN Dệt May Nha Trang
VTF tại Đà Nẵng cũng là nơi anh bỏ nhiều tâm huyết để vực dậy nhà máy từ trong khó khăn. Anh cười đùa rằng, từ một điểm đen của hệ thống, nay đã biến thành điểm “nâu” rồi. Nhà máy đang lên kế hoạch triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời, để giảm thiểu tiêu thụ điện quốc gia, đồng thời phủ kín cây xanh trong khuôn viên Nhà máy. Nhắc đến VTF còn là nhắc đến một đơn vị duy nhất trong hệ thống PPJ Group có sân bóng đá phục vụ người lao động. Trước đó, sân bóng chỉ là một mảnh đất bỏ hoang, cỏ mọc cao lút đầu người. Anh nảy ra ý định biến nó thành sân bóng mini, để anh chị em CBCNV vừa có nơi để giải trí, giao lưu sau giờ làm việc, vừa là cơ hội để rèn luyện sức khỏe một cách lành mạnh. Sâu xa nhất, anh muốn đây chính là một “điểm cộng” để thu hút người lao động đến với Nhà máy. Anh cho rằng, sân bóng vốn chẳng phải sáng kiến mới mẻ gì, các doanh nghiệp FDI, thậm chí nhiều doanh nghiệp của người Việt đã triển khai những mô hình này từ rất lâu và rất bài bản. Mô hình nào hay, có tính khả thi cao, thì mình nên học và làm theo, để đem lại những phúc lợi tốt nhất cho người lao động. Tại Đà Nẵng, anh cũng thường xuyên vào vai “thầy giáo nội bộ”, mở những lớp đào tạo ngắn giàu tính thực tiễn dành cho cán bộ quản lý, để chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức có được sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, và kinh qua nhiều vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp lớn. Anh chẳng hề “giấu nghề”, bởi anh cũng nhìn ra được rào cản lớn nhất của hệ thống PPJ Group hiện nay, đó là ở đội ngũ kế cận chưa đủ mạnh. Chiến lược con người nếu được xây dựng và thực thi hiệu quả hơn, PPJ Group sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Đứng với chúng tôi trong khuôn viên rộng rãi đầy nắng của Dệt May Nha Trang, anh nheo mắt chỉ mảnh đất chạy dài bên sườn Nhà máy Sợi 2. Anh bày tỏ dự định sẽ đề xuất để biến dải đất này thành những vườn rau sạch, cung cấp cho nhà ăn của CBCNV. Mỗi tấc đất quý giá đều cần được sử dụng đúng cách, để nó hoàn thành được sứ mệnh tốt đẹp nhất của nó với cuộc đời. Mỗi Người PPJ, với tư duy sáng tạo độc đáo và chí hướng dám nghĩ, dám làm, chắc chắn sẽ làm cho tên tuổi PPJ Group rực rỡ hơn những gì hôm nay chúng ta đang thấy.
Mời Quý độc giả đón đọc bản đầy đủ của Tập san “Người PPJ” số 06 tại link:
Ban Biên tập