Chúng tôi có dịp gặp gỡ anh Ngô Văn Long – Giám đốc CTCP Đầu tư Thành Châu (TIC) vào một buổi chiều tháng 3 nắng đẹp. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là một người giản dị, điềm đạm và dễ chịu. Là một thành viên đã gắn bó 15 năm với PPJ Group, và cũng đồng thời là một trong những người xây nên nền móng đầu tiên cho TIC, anh Long quả thật có nhiều câu chuyện thú vị để kể cho phóng viên chúng tôi, về đất và người nơi đây.
Được thành lập từ tháng 5/2012 và chính thức gia nhập PPJ Group năm 2014, CTCP Đầu tư Thành Châu (còn được biết với cái tên Nhà máy Wash Thành Châu) là một đơn vị mạnh trong hệ thống Denim của PPJ. Với quy mô diện tích Nhà máy gần 8.500m2, năng suất 450.000 sản phẩm/tháng và đội ngũ gần 400 công nhân lành nghề, TIC được biết đến là một trong những doanh nghiệp chuyên về mặt hàng denim, với hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại bậc nhất trong toàn PPJ Group.
Biến cố và thách thức lớn nhất đối với thuyền trưởng Ngô Văn Long và các anh chị em CBCNV của TIC trong năm qua, không có gì bất ngờ, chính là khoảng thời gian “3 tại chỗ” trong những ngày bùng dịch dữ dội tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành lân cận. Thế nhưng, điều làm chúng tôi ngạc nhiên, đó là, TIC chính là đơn vị đầu tiên tiên phong thử nghiệm mô hình này, trước cả khi Trụ sở chính Công ty mẹ và các đơn vị anh em chính thức triển khai.
Chủ động đón đầu đại dịch
Quyết định cho Nhà máy sớm tổ chức mô hình “3 tại chỗ”, cách ly với thế giới bên ngoài là một trong những quyết định táo bạo nhất trong cuộc đời của anh Long. Thời điểm đầu tháng 7/2021, những tin xấu về diễn biến của dịch liên tiếp kéo đến, số ca mắc Covid-19 tăng chóng mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế sôi động bậc nhất liền kề với Long An. Tuy huyện Đức Hòa lúc ấy chưa xuất hiện ca F0 nào, nhưng các biện pháp phòng dịch đã được thực thi vô cùng nghiêm ngặt, để ngăn chặn viễn cảnh lặp lại kịch bản của Bắc Ninh và Bắc Giang trước đó. Các rào chắn, chốt chặn đã được dựng lên ngày càng nhiều trên các tuyến đường nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Long An, đi lại vô cùng khó khăn. Bản thân anh Long và rất nhiều anh chị em trong Ban Lãnh đạo và nhân sự chủ chốt của TIC sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy anh hiểu rằng, một khi Long An áp dụng các biện pháp phong tỏa, lúc đó Nhà máy sẽ trở tay không kịp.
Sau nhiều đêm thức trắng để suy tính thiệt hơn, anh Long đã đưa ra quyết định. Sáng ngày 07/7, toàn bộ nhân sự cấp quản lý của Công ty được triệu tập. Ai cũng ý thức được tình hình gấp gáp và ngặt nghèo, người nhận nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần, người nhận nhiệm vụ đi vận động anh chị em xung phong đăng ký “3 tại chỗ”… Mỗi người một việc, để chuẩn bị cho ngày 09/7, ngày đầu tiên bước vào một trận chiến mới.
Những ngày đầu vô cùng khó khăn, khi chỉ có vài chục CBCNV xung phong vào ở trong Nhà máy. Việc xa gia đình, xa người thân trong không khí loạn lạc như vậy không hề là một lựa chọn dễ dàng. Nhà ăn ban đầu cũng từ chối cung cấp dịch vụ, thực phẩm ở đâu cũng khan hiếm do ngăn sông cấm chợ… Thế nhưng, bằng sự đồng lòng, chia sẻ từ trên xuống dưới, TIC đã vượt qua khoảng thời gian kỷ lục triển khai “3 tại chỗ”, kéo dài tới tròn 100 ngày, với tỉ lệ NLĐ tham gia có lúc đạt tới hơn 60% tổng số lao động của Nhà máy.
Anh Long cho rằng, điều quan trọng nhất khiến cho TIC có thể duy trì mô hình “3 tại chỗ” an toàn và bền bỉ như vậy, chính là việc TIC đã bước vào cuộc chiến này bằng tâm thế chủ động đón đầu. Anh chị em CBCNV cũng có thời gian vài ngày để được phân tích, thấu hiểu tình hình, chuẩn bị tâm lý, sửa soạn việc gia đình để bước vào Nhà máy. Lời hứa hẹn ban đầu là 1 tuần, sau đó là thêm 1 tuần nữa, và rồi cuối cùng tới 15 tuần do Đức Hòa vẫn liên tục là vùng đỏ. Anh Long kể, khi về nhà chào tạm biệt gia đình để ở lại Nhà máy, cô con gái 6 tuổi chỉ cho ba mang theo 4 bộ quần áo, để sau 4 ngày ba phải trở về. Niềm day dứt lớn nhất của anh thời điểm đó, chính là đã lỗi hẹn quá lâu với gia đình và cô con gái nhỏ.
Anh Giám đốc chưa bao giờ nghỉ phép
Chị Tuyền, Trưởng Phòng HCNS “mách” với chúng tôi, rằng từ khi làm việc dưới quyền anh Long kể từ 2014, chị chưa bao giờ thấy anh Long nghỉ phép. Nhân viên của anh, ai cũng có 12-14 ngày phép mỗi năm, còn anh, các anh chị em hay nói vui rằng, nếu gom ngày nghỉ phép của anh để nghỉ một lượt, thì anh Long phải nghỉ được nhiều tháng. Anh Long may mắn có một người vợ vô cùng đảm đang, tháo vát. Chị là người thay anh quán xuyến mọi công việc trong gia đình, chăm sóc con cái, đối nội và đối ngoại, để anh yên tâm công tác và dành cho Nhà máy hầu hết thời gian và tâm trí của mình.
Còn nhớ, TIC là một trong những đơn vị đầu tiên trong hệ thống PPJ Group tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 cho người lao động. Bản thân những người đứng đầu doanh nghiệp, dù được tiếp cận với những nguồn thông tin chính thống về lợi ích của vaccine, nhưng cũng không vì thế mà vơi đi lo lắng. An toàn sức khỏe của tập thể hơn 200 con người sau cánh cổng biệt lập của Nhà máy trở thành trách nhiệm lớn nhất của anh Long. Đêm đầu tiên sau đợt tiêm, anh không ngủ được, lọ mọ xuống xưởng, đo nhiệt độ, hỏi han từng người xem có sốt, mệt hay đau đầu không. Anh tâm sự rằng, lúc tiêm cũng vậy, lúc có ca nghi nhiễm cũng vậy, bản thân anh cũng “run” lắm, nhưng ngoài mặt phải luôn tỏ ra bình tĩnh, để trấn an tinh thần anh em. Người đứng đầu còn hoang mang, thì anh em bên dưới biết trông cậy vào đâu. Trong suốt những ngày tháng đáng nhớ đó, trong phòng anh lúc nào cũng có 1 quyển lịch to, mỗi khi có ca nghi nhiễm là căng thẳng đếm ngược từng ngày theo chu kỳ 1 tuần. Ai sống trong Nhà máy giai đoạn “3 tại chỗ” chắc hẳn cũng đều hiểu cái cảm giác nhẹ nhõm quý giá khi mỗi sáng thức dậy một cách bình yên.
Mỗi ngày làm việc của anh Long thường kéo dài tới 14 tiếng, bước lên xe ô tô lúc 6h25 mỗi sáng, và trở về nhà thường là 20h – 21h. Anh thú thật rằng, so với ngồi một mình trên xe riêng dành cho lãnh đạo, anh thích đi cùng xe với nhân viên hơn, bởi có công việc gì thì có thể tranh thủ trao đổi ngay cho mau lẹ. Trên chuyến xe đưa đón các anh chị em CBCNV từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long An làm việc mỗi ngày, thường có nhân sự phòng QA, Kế hoạch, Hành chính Nhân sự…, vậy nên trên quãng đường đi làm đều là cuộc họp nhanh giữa Giám đốc và nhiều phòng ban. Anh thường say sưa với công việc đến nỗi, có những ngày hiếm hoi về nhà đúng giờ, đứng ngoài cổng bấm chuông mà cô con gái út nhất định không ra mở cửa, bởi “ba chẳng bao giờ về nhà giờ này, ba về muộn cơ, chắc người xấu đó!”.
Một Nhà máy không có thông dịch viên
Khi kể về anh Long, nhân viên của anh thường nhắc tới câu cửa miệng của Sếp: “Việc gì làm được thì làm, việc gì làm không được thì cũng phải cố mà làm!”. Trong 15 năm làm việc tại PPJ, anh là người cầm tay chỉ việc, chỉ bảo, hướng dẫn cho rất nhiều lớp nhân viên, không chỉ về chuyên môn, cách giao tiếp, ứng xử, mà còn là tinh thần quyết liệt, say mê với công việc và cái Tâm đối với nghề.
Chị Thị Kim Sang, nhân sự Phòng Kỹ thuật, cũng là học trò được anh Long tận tình dìu dắt từ những ngày đầu bước chân vào Nhà máy như thế. Nếu chị không tự mình giới thiệu, chúng tôi cũng không ngờ được rằng, cô nhân viên có chuyên môn vững vàng và vốn tiếng Anh khá tốt của Phòng Kỹ thuật, người có thể làm cầu nối giao tiếp giữa các nhân viên kỹ thuật của Nhà máy và chuyên gia nước ngoài, lại là một người xuất thân từ dân tộc thiểu số. Chị Sang bộc bạch, lúc mới vào TIC, chị bắt đầu ở vị trí công nhân bình thường, với mong muốn kiếm một công việc đơn giản để có thu nhập nuôi sống bản thân. Nhưng ông trời ưu ái chị, cho chị may mắn được làm nhân viên của anh Long. Chị học được ở anh từ kiến thức chuyên môn, kho thuật ngữ chuyên ngành, đến cách bao quát để nắm bắt vấn đề, cách giao tiếp và ứng xử với khách hàng, đồng nghiệp. Chị học được thói quen lúc nào cũng mang theo bên mình cuốn sổ nhỏ, ghi chép những việc cần hoàn thành trong ngày, rồi cuối ngày dành vài phút để tổng kết xem mình đã hoàn thành được bao nhiêu đầu việc, việc gì mình chưa làm được, chưa làm tốt, nguyên do ở đâu, rồi tìm cách khắc phục. Dần dần, chị trưởng thành hơn mỗi ngày, từ vạch xuất phát nay đã đi được một chặng đường khá xa.
Chị Sang kể, những ngày mới làm nhân viên kỹ thuật, nửa chữ tiếng Anh chị cũng không biết, khi làm việc với chuyên gia nước ngoài thì Sếp Long đứng bên cạnh làm thông dịch viên. Các comment của khách hàng thì chị mang lên nhờ “bác Google” dịch giúp, dẫn tới một sự cố dở khóc, dở cười. Khách hàng ghi, “dull cast”, có nghĩa là ánh màu bị mờ, nhưng Google lại dịch theo nghĩa phổ thông, thành “diễn viên đần độn”. Chị thật thà, mang câu dịch chép lại y nguyên, và thế là trở thành một câu chuyện cười được truyền tai khắp nơi, kể đi, kể lại tới tận bây giờ. Sau sự cố đó, anh Long quyết tâm đào tạo đội ngũ kỹ thuật về vốn tiếng Anh chuyên ngành Wash, cộng thêm sự chăm chỉ học hỏi thêm của chị Sang, nên lúc này chị đã có thể tự tin đảm nhận vị trí phiên dịch thay cho Sếp Long. Anh chị em CBCNV của TIC đều là những người đa năng như thế, bởi anh Long luôn yêu cầu mỗi người phải làm được 2, 3 việc, chứ không chỉ giỏi một việc duy nhất, có vậy mới có thể chia sẻ, “bọc lót”, giúp đỡ nhau, để công việc chung ngày càng trôi chảy.
Rời TIC, chúng tôi còn biết thêm một sự thật thú vị, đó là ở đây, tỉ lệ biến động nhân sự hầu như bằng 0, kể cả sau biến cố lớn nhất khi Công ty phải hoạt động “3 tại chỗ” tới hơn 3 tháng năm 2021. Đa phần CBCNV hiện tại đều đã gắn bó với nơi này ít nhất 4 năm; nhiều người, giống như anh Long, chị Tuyền, đã ở đây ngay từ những năm đầu TIC được thành lập. Sự dễ mến của những con người nơi đây khiến chúng tôi không khó để hiểu lí do, vì sao Nhà máy này lại khéo níu chân người đến thế./.